Sàng lọc trước sinh và sơ sinh: Tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh
Với việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS), nhiều gia đình trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, nhất là các gia đình nghèo, cận nghèo đã tầm soát được các nguy cơ bệnh tật cho con ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh, tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh…
Vừa chào đời được hai ngày, bé trai con của chị H’Trân Êban (19 tuổi, ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã được nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP. Buôn Ma Thuột lấy máu gót chân để làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh. Chị H’Trân Êban cho biết: Khi mang thai tôi đã được cộng tác viên y tế của buôn đến tư vấn về việc thăm khám thai và siêu âm định kỳ để theo dõi sức khỏe của cả mẹ và con, nhất là tầm soát được một số bệnh lý ở thai nhi. Vì thế tôi đã thực hiện thăm khám đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ và suốt quá trình mang thai mẹ con tôi đều khỏe mạnh, sinh nở thuận lợi “mẹ tròn con vuông”.
Mẹ con chị H’Trân Êban là một trong những trường hợp thuộc đối tượng hộ cận nghèo nên được SLTS&SS hoàn toàn miễn phí theo chương trình của ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Theo bác sĩ Hoàng Thị Minh Hường, Trưởng khoa Sản, BVĐK TP. Buôn Ma Thuột: SLTS&SS là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Thời điểm sàng lọc trước sinh thực hiện vào khoảng tuần 12, 22 và 32 của thai kỳ. Thông qua siêu âm thai và một số xét nghiệm cần thiết giúp tầm soát nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác cũng như theo dõi tình trạng phát triển của thai nhi. Còn thời điểm sàng lọc sau sinh được thực hiện lúc trẻ được 48-72 giờ sau sinh thông qua xét nghiệm mẫu máu gót chân để tầm soát 3 bệnh suy tuyến giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD và suy tuyến thượng thận bẩm sinh. Tuy nhiên đến thời điểm này việc SLTS&SS tại bệnh viện mới chỉ được thực hiện đối với các đối tượng là thuộc hộ nghèo và cận nghèo, còn các đối tượng thu phí thì chưa được thực hiện.
Một trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh miễn phí tại BVĐK TP. Buôn Ma Thuột. |
Không thể phủ nhận lợi ích to lớn của việc SLTS&SS, không chỉ giúp khắc phục được những hậu quả nặng nề do dị tật gây ra cho trẻ một cách hiệu quả, mà thông qua đó còn giúp nâng cao chất lượng dân số của thành phố. Song, để ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh trên địa bàn được tiếp cận với SLTS&SS vẫn còn không ít khó khăn. Ông Nguyễn Như Hạnh, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Để nâng cao nhận thức của người dân trên địa bàn về SLTS&SS, thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức như cấp phát áp phích, tờ rơi cho trạm y tế, cộng tác viên để phát cho người dân khi đi tuyên truyền, vận động; tập huấn cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng tuyên truyền tư vấn về sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho cộng tác viên dân số; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng mới kết hôn tại các xã, phường, thôn, buôn để họ biết và chủ động tham gia. Đồng thời phối hợp với BVĐK và Trung tâm Y tế thành phố duy trì các hoạt động sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh bằng kỹ thuật siêu âm, lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh. Triển khai là như vậy, nhưng trên thực tế, hằng năm chỉ tiêu SLTS&SS Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh giao thực hiện đối với các đối tượng miễn phí vẫn không đạt được. Đơn cử như năm 2018, chỉ tiêu được giao sàng lọc 20 trường hợp trước sinh và 20 trường hợp sơ sinh, nhưng đến thời điểm này, mới thực hiện được 10 trường hợp.
Lý giải về nguyên nhân thực hiện chỉ tiêu đạt thấp, ông Nguyễn Như Hạnh chia sẻ, hiện nay các đối tượng thuộc diện miễn phí (hộ nghèo, cận nghèo) trên địa bàn trong độ tuổi sinh đẻ ít, đối tượng không thuộc diện miễn phí nhiều hơn. Do đó, mặc dù năm nay số trường hợp được SLTS&SS cao hơn năm trước nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu được giao. Bên cạnh đó, chương trình SLTS&SS tiếp thị (người dân tự trả phí) lại chưa được triển khai tại bệnh viện công lập nên quá trình tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số chỉ vận động và hướng dẫn để người dân tự đi sàng lọc tại cơ sở y tế tư nhân, và như thế ít nhiều cũng ảnh hưởng đến hiệu quả.
Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Buôn Ma Thuột phấn đấu đến hết năm 2018 hoàn thành các chỉ tiêu: 90% các thai phụ được tiếp cận các thông tin tuyên truyền, tư vấn về SLTS&SS; 30% số thai phụ được sàng lọc trước sinh để phát hiện dị tật thai nhi; 40% số trẻ sinh được sàng lọc sơ sinh nhằm phát hiện sớm bệnh tật ở trẻ. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc