Thận trọng khi sử dụng các loại lá để tắm cho trẻ
Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều bậc cha mẹ thường dùng các loại lá cây như trầu không, chè xanh, mướp đắng, ổi, khế, nước dừa… tắm cho trẻ để làm mát da, trắng da hoặc điều trị rôm sẩy, giảm ngứa. Thực tế, cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi làn da của trẻ rất nhạy cảm, mỏng manh khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn, viêm da… Lá tắm cũng có thể gây thêm bệnh cho trẻ nếu sử dụng không đúng cách hoặc dùng lá không rõ nguồn gốc.
Khi trong nhà có trẻ sơ sinh là chị Nguyễn Thị Lý (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) lại nấu các loại lá như lá chè xanh, lá khế, lá trầu không… tắm cho bé để làm mát da mà không biết các loại lá này có hại gì không. Nghe bà con, họ hàng khuyên nấu nước lá chè xanh tắm cho con để sạch da, ngừa rôm sẩy, làm mát da nên sau khi sinh con, ngày nào chị Trịnh Thị Cúc (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) cũng chăm chỉ nấu lá tắm cho bé. Tuy nhiên, sau khi tắm cho con được mấy lần thì da bé bắt đầu ửng đỏ, bé quấy khóc. Chị Cúc đưa con đi khám da liễu thì bác sĩ bảo da bé bị tổn thương vì tắm lá không đúng cách.
Lá trầu không có tính cay nóng, do đó nhiều bà mẹ nấu tắm cho bé để làm mát là sai. |
“Thực chất, các phương pháp tắm lá đều là một bài thuốc và hậu quả không mong muốn là do người sử dụng quá tùy tiện, không biết rõ nguồn gốc và tính năng của các loại lá mình dùng. Các bậc cha mẹ có thể tư vấn thêm ý kiến của các bác sĩ đông y để biết loại lá nào phù hợp cho trẻ sơ sinh cũng như liều lượng dùng mỗi lần tắm là bao nhiêu; kỹ thuật pha nước và quy cách tắm” .
Lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh
|
Trao đổi về vấn đề này, lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, hiện nay, việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ rất phổ biến khiến các loại cây lá tắm cho bé dễ bị nhiễm các chất độc. Khi đun sôi, các chất độc hại hầu như không bị phân hủy nên khi dùng tắm cho trẻ các chất này dễ xâm nhập vào cơ thể bé thông qua da. Do các chức năng chưa được hoàn thiện, nhất là hệ thống miễn dịch ngoài da còn yếu nên da trẻ rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Ngoài ra, các loại lá đều có khả năng bị sâu bệnh hay có côn trùng làm tổ, nếu không xử lý được hoàn toàn thì chúng sẽ là tác nhân gây hại, bội nhiễm ở trẻ. Một số loài cây lá có lông, có thể gây kích ứng da, gây ngứa cho trẻ nhỏ. Vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm, nhất là nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng theo lương y Võ Thuận Hóa, quan niệm tắm lá có tác dụng diệt khuẩn, lại lành tính cho da trẻ là hoàn toàn sai lầm. Điển hình như lá chè xanh được rất nhiều bà mẹ sử dụng để tắm cho con, nhưng thực tế nước tắm bằng lá này có thể khiến trẻ bị phá hủy tế bào da, gây dị ứng vì trong lá này có chất tanin (chất chát) dễ làm cho da em bé bị tổn thương. Hay như lá trầu không cũng vậy, đây là loại lá có tinh dầu cay, ôn, ấm có tính chất sát trùng, sát khuẩn, không có tính thanh mát nên nhiều bà mẹ nấu lá trầu không để làm mát cơ thể cho bé là hoàn toàn sai. Tuy nhiên, cũng có một số loại lá khi nấu lên tắm cho bé rất an toàn và tốt như lá hương nhu, lá tía tô bởi các loại lá này có tính chất tinh dầu, không mang tính chất gây nóng, thanh nhiệt giúp làm dịu tế bào da của bé, chống dị ứng ngoài da rất tốt.
Lương y Võ Thuận Hóa khuyến cáo: “Khi da bé có các triệu chứng như mẩn ngứa, rôm sẩy… thì cần đưa bé đến cơ sở y tế, tránh dùng các loại lá tắm làm mát da cho bé để phòng tránh việc vi khuẩn xâm nhập vào bên trong cơ thể bé thông qua những tổn thương trên bề mặt như mụn, vết thương hở”.
Mai Lê
Ý kiến bạn đọc