Theo dõi chặt chẽ để xử trí kịp thời tình trạng xuất huyết sau sinh
Xuất huyết (băng huyết) hay chảy máu sau sinh là 1 trong 5 tai biến sản khoa thường gặp gây nguy hiểm tới tính mạng và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở sản phụ. Do đó, sau khi sinh con, nhất là trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, sản phụ cần được theo dõi, giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện bất thường đối với loại tai biến này.
Sau khi sinh con, nếu sản phụ bị đờ tử cung, tử cung không co lại khi thai nhi và nhau thai được tống ra; bị chấn thương đường sinh dục, đặc biệt là vỡ tử cung; có sự bất thường về quá trình bong nhau thai, sổ nhau thai; bị rối loạn đông máu... thì sẽ xuất hiện hiện tượng băng huyết. Khi xảy ra hiện tượng này, cần thực hiện cấp cứu một cách nhanh nhất để xử lý nơi xuất huyết. Theo bác sĩ CKII Đoàn Sỹ Hoàng, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên), có hai nguyên nhân dẫn tới xuất huyết sau sinh gồm nguyên nhân nguyên phát và thứ phát. Nguyên nhân nguyên phát gồm đờ tử cung, các tổn thương đường sinh dục khi sinh, các bệnh lý về máu như rối loạn đông máu. Nguyên nhân thứ phát bao gồm nhiễm trùng tử cung, sót nhau, nhau cài răng lược, nhau bong non, nhau tiền đạo, do tử cung co hồi kém…
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên kiểm tra vết mổ và theo dõi sức khỏe của sản phụ sau sinh. Ảnh: Ảnh: Q. Nhật |
Xuất huyết sau sinh cực kỳ nguy hiểm; trong 5 tai biến sản khoa, xuất huyết sau sinh đứng vị trí hàng đầu về nguyên nhân gây tử vong cho sản phụ, chiếm trên 30% trong số các nguyên nhân gây tử vong sản phụ. Theo số liệu thống kê, số ca sản phụ tử vong trong thời kỳ mang thai chiếm khoảng 24%; có 16% sản phụ tử vong trong lúc sinh con; còn lại 60% sản phụ tử vong sau sinh. Trong 60% sản phụ tử vong sau sinh có tới 45% sản phụ tử vong trong vòng 24 giờ đầu. “Theo Tổ chức Y tế thế giới, sản phụ bị chảy máu đường sinh dục trong lúc sinh và sau sinh trên 500 ml thì được chẩn đoán là băng huyết sau sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, đánh giá lượng máu mất không quan trọng bằng đánh giá sự thay đổi tình trạng sức khỏe của sản phụ đối với lượng máu mất. Bởi có những sản phụ bị thiếu máu, nếu chỉ cần mất khoảng 300 ml máu thì đã gây ra hiện tượng choáng, sốc. Do đó, sau khi sản phụ sinh con, cần tiến hành theo dõi tình trạng sức khỏe của sản phụ một cách chặt chẽ để có thể can thiệp xử lý tai biến một cách kịp thời”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Để hạn chế tình trạng xuất huyết sau sinh, sản phụ mang thai nên đi khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường nhằm có tiên lượng và hướng chủ động xử trí can thiệp. Trong thời kỳ mang thai, sản phụ nên bổ sung thêm viên thuốc sắt và acid folic để phòng ngừa thiếu máu và gây ra ít biến chứng nặng nếu không may có xuất huyết sau sinh xảy ra. |
Khi bị băng huyết sau sinh, sản phụ cần được thực hiện cấp cứu tối khẩn cấp. Nếu sản phụ bị xuất huyết tại nhà, cần nhanh chóng đưa sản phụ tới cơ sở y tế một cách nhanh nhất. Tại cơ sở y tế, sau khi đánh giá tình trạng sản phụ, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tìm nguyên nhân xuất huyết, đồng thời thực hiện hồi sức chống choáng cùng với xử trí xuất huyết. Bác sĩ Hoàng chia sẻ: “Hầu hết các ca xuất huyết sau sinh từ các tuyến huyện chuyển lên đều bị rối loạn đông máu. Khi tiếp nhận sản phụ xuất huyết, bệnh viện sẽ ngay lập tức tiến hành hồi sức cấp cứu, thiết lập tất cả những bước cấp cứu ban đầu trước, tiến hành xử lý tổn thương đường sinh dục, điều trị rối loạn đông máu… Do là ca cấp cứu khẩn nên bệnh viện sẽ vừa kết hợp kiểm tra nguyên nhân vừa tiến hành điều trị”.
Để phòng ngừa sản phụ bị xuất huyết sau khi sinh, cơ sở y tế tuyến dưới cần bảo đảm công tác quản lý thai nghén thật tốt, phát hiện sớm các nguy cơ cao để chuyển sản phụ lên sinh đẻ ở tuyến trên. Lưu ý việc xử trí tích cực ở giai đoạn 3 của quá trình sản phụ chuyển dạ; không để xảy ra tình trạng chuyển dạ kéo dài. Phải đỡ đẻ đúng kỹ thuật, nhẹ nhàng để tránh gây chấn thương đường sinh dục; khi có tổn thương đường sinh dục, cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Phải theo dõi sát sản phụ 6 giờ đầu sau khi sinh đẻ, đặc biệt là trong 2 giờ đầu để phát hiện sớm các trường hợp chảy máu hay xuất huyết bất thường.
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, để bảo đảm an toàn cho người mẹ trong quá trình sinh con, các bà mẹ chỉ nên sinh từ 1 - 2 con, bởi khi sinh càng nhiều, nhất là tới 4 -5 con thì nguy cơ tai biến băng huyết sau sinh tăng gấp 2 lần. Cần lưu ý đến khoảng cách giữa mỗi lần sinh không nên dày quá. Ngoài ra, thai phụ cần lưu ý đến cân nặng, đừng để béo phì. Những thai phụ có chỉ số cơ thể BMI trên 30 thì tỷ lệ băng huyết sau sinh sẽ tăng lên 1,5 lần so với người có chỉ số BMI trong khoảng 20-30.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc