Multimedia Đọc Báo in

Cần phát hiện và điều trị kịp thời bệnh dậy thì sớm ở trẻ

06:34, 09/12/2018

Hiện nay, ngày càng có nhiều trẻ dậy thì sớm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa chú ý đến việc theo dõi, phát hiện và phòng chống bệnh dậy thì sớm ở trẻ.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), dậy thì sớm ở trẻ không phải là bệnh lý hiếm gặp mà ngày càng phổ biến. Đó là khi biểu hiện dậy thì xuất hiện ở bé gái trước 8 tuổi, bé trai dưới 9 tuổi. Khi bé gái dưới 8 tuổi có biểu hiện đặc thù như cương tiểu thùy vú, có lông mu ở bộ phận sinh dục, có kinh nguyệt sớm…; bé trai dưới 9 tuổi xuất hiện giọng nói ồm, ria mép, dương vật phát triển, có lông mu thì cần cho trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Nên tăng cường cho trẻ vận động, chơi thể thao để trẻ tiêu hao năng lượng.
Nên tăng cường cho trẻ vận động, chơi thể thao để trẻ tiêu hao năng lượng.

Dậy thì sớm được chia làm hai loại gồm dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Dậy thì sớm ngoại biên là do rối loạn hormone từ chế độ sinh hoạt, ăn uống, tâm sinh lý bệnh nhân. Dậy thì sớm trung ương do sự bất thường ở tuyến yên hoặc khu vực não nơi điều khiển tuyến yên như bị tổn thương khiến các hormone sinh dục tiết ra nhiều. Phần lớn phụ huynh thấy con dậy thì sớm, cao vượt trội so với bạn cùng tuổi thì vui mừng nghĩ rằng con phát triển tốt. Tuy nhiên, thực tế dậy thì sớm nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng.

“Cứ thử hình dung như chúng ta đưa trái cây xanh vào ép chín sớm thì sự chín sớm đó không đạt được độ ngon như chín thường. Trẻ cũng vậy, nếu dậy thì sớm, cơ thể trẻ chưa sẵn sàng cả về thể chất lẫn tâm sinh lý, ngoài việc phải đương đầu với những thay đổi về mặt cảm xúc, trẻ còn phải đối mặt với những thay đổi của cơ thể khi còn quá nhỏ. Điều này có thể gây trầm cảm và căng thẳng tâm lý ở trẻ. Khi bản thân có sự khác biệt về ngoại hình, trẻ có thể cảm thấy xấu hổ vì cơ thể phát triển khiến trẻ trông khác bạn bè, trẻ có cảm giác lạc lõng, trầm cảm, từ đó sinh ra tự ti, sợ hãi, tâm trạng bất an, ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khỏe sinh sản của trẻ sau này. Không những vậy, việc trẻ phải đối mặt với giai đoạn dậy thì khi còn quá nhỏ cũng làm tăng nguy cơ quan hệ tình dục sớm hơn độ tuổi. Điều này làm tăng nguy cơ mang thai ở tuổi vị thành niên và để lại nhiều hệ lụy cho trẻ như bỏ học, thất nghiệp…”, bác sĩ Minh cảnh báo.

Mặc dù trẻ dậy thì sớm sẽ phát triển hơn bạn cùng tuổi, nhưng thật ra càng về sau chiều cao của trẻ sẽ càng bị hạn chế. Nguyên nhân là do sự phát triển nhanh chóng của xương, chu kỳ tăng trưởng của tuổi dậy thì bị rút ngắn đáng kể dẫn đến không có đủ thời gian để cơ thể phát triển bình thường. Do đó, chiều cao của trẻ dậy thì sớm sẽ thấp lùn hơn so với người bình thường. Hơn một nửa số trẻ em mắc bệnh dậy thì sớm đều có chiều cao không quá 150 cm.

Việc điều trị dậy thì sớm là điều vô cùng quan trọng, phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tránh được những rủi ro không đáng có cho trẻ cả về thể chất lẫn tinh thần và các nguy hiểm gặp phải ngoài xã hội.

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã phát hiện 3 trường hợp trẻ dậy thì sớm. “Với những trẻ dậy thì sớm bệnh viện sẽ chuyển các em xuống Bệnh viện Nhi đồng II để điều trị. Thông thường trẻ dậy thì sớm sẽ được điều trị bằng liệu pháp hormone để cân bằng hormone của trẻ, làm chậm quá trình dậy thì của trẻ. Ngoài ra trẻ sẽ được áp dụng các biện pháp như tâm lý trị liệu, điều chỉnh chế độ ăn, hạn chế các chất gây ra dậy thì sớm ở trẻ”, bác sĩ Minh cho biết.

Dậy thì sớm để lại nhiều hậu quả không tốt cho trẻ, do đó, các phụ huynh cần thường xuyên quan tâm tới sự thay đổi của con em mình để phòng tránh các tác hại do việc dậy thì sớm gây nên. Nếu thấy con có các dấu hiệu dậy thì sớm, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn chữa trị. Bác sĩ Minh khuyến cáo, phụ huynh cần bình tĩnh, cùng con bước qua giai đoạn này. Giải thích cho trẻ hiểu những thay đổi đang diễn ra là hoàn toàn bình thường khi trẻ lớn lên, tránh gây tâm lý hoang mang hoảng sợ cho trẻ. Bên cạnh đó, cần xây dựng cho trẻ chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế các loại thực phẩm không phù hợp với trẻ như tránh các loại thức ăn bổ sung dinh dưỡng, bồi bổ quá mức như đông trùng hạ thảo, nhân sâm… Hạn chế cho trẻ ăn những món thịt từ gia súc gia cầm có sử dụng chất tăng trọng, thức ăn gia súc thúc đẩy tăng trưởng, tránh các loại thực phẩm có nhiều chất béo và lượng đường cao như sôcôla, các loại bánh ngọt và nước ngọt khiến trẻ thừa dinh dưỡng. Đồng thời tạo cho trẻ một môi trường sống lành mạnh, tăng cường luyện tập thể dục thể thao bằng các hoạt động như bơi lội, nhảy dây, đá bóng, đá cầu…

Mai Lê - Đình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.