Multimedia Đọc Báo in

Hiểm họa từ việc uống rượu ngâm rễ cây không rõ nguồn gốc

08:25, 02/12/2018

Tin vào lời đồn thổi nhiều loại rễ cây có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa bách bệnh, nhiều người đổ xô tìm kiếm, sưu tầm các loại rễ cây ngâm với rượu để uống hoặc tìm mua các loại rượu ngâm rễ cây không rõ nguồn gốc. Việc làm này tiềm ẩn nguy hiểm bởi nếu không được chế biến đúng cách, không ngâm đúng liều lượng, rễ cây không rõ nguồn gốc có thể sinh ra độc tố gây chết người.

Rượu ngâm là một trong những bài thuốc của đông y. Tuy nhiên, không phải rễ cây gì cũng ngâm rượu được. Để ngâm được rượu rễ cây cần phải hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ của loại rễ cây, vị thuốc, liều lượng ra sao, chất lượng cây, rễ hoặc lá và dược tính của chúng, loại rượu, nồng độ rượu... Thực tế, đã từng có rất nhiều trường hợp bị ngộ độc hoặc tử vong do uống rượu tự ngâm rễ cây không rõ nguồn gốc.

Trong nhà ông Nguyễn Văn (huyện Cư Kuin) lúc nào cũng có một vài hũ rượu ngâm từ các loại rễ cây như đinh lăng, nhân sâm, mật gấu. Nghe mọi người mách các loại cây đó ngâm vào uống tốt cho sức khỏe, trị được bệnh nên ông Văn cũng kiếm cây về đổ rượu vào ngâm để uống chứ không biết nó tiềm ẩn nguy hiểm. Không riêng nhà ông Văn, gần như trong thôn của ông nhà nào cũng có một vài hũ rượu ngâm như vậy.

Bình rượu nhân sâm do ông Nguyễn Văn tự ngâm để uống. 
 Bình rượu nhân sâm do ông Nguyễn Văn tự ngâm để uống.

Có rất nhiều người giống như ông Văn cứ đi sưu tầm các loại cây, rễ cây về ngâm rượu uống dù không am hiểu rõ ràng về nguồn gốc các loại rễ cây, liều lượng và chất lượng, không biết cách sơ chế, làm sạch theo phương pháp bào chế của y học cổ truyền... Việc ngâm rượu rễ cây bừa bãi như vậy rất dễ gây ngộ độc. Nhiều người còn có thói quen dùng nguyên con, nguyên cây như rắn, bìm bịp, các loại cỏ, cây, lá, hoa thuốc phiện cho vào rượu ngâm để uống.

Theo lương y Võ Thuận Hóa, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh, việc ngâm rượu cây, rễ cây uống bừa bãi như vậy rất dễ gây ngộ độc. Điển hình như cây mật gấu, chỉ nghe tác dụng uống rượu ngâm cây này chữa được các bệnh như gan nhiễm mỡ, dạ dày…, nhiều người lập tức tìm cây về ngâm rượu uống không theo quy trình, liều lượng nào mà không biết rằng càng uống họ càng đưa chất độc vào người. Với đông y, đắng là tiêu tan, có tác dụng kháng khuẩn đường ruột nhưng nhiều người nhầm tưởng vị đắng ở cây mật gấu có thể tiêu được các chất dư thừa như mỡ nên uống vô tội vạ. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều trường hợp bị suy gan cấp, chức năng gan suy giảm do uống rượu ngâm cây mật gấu với nồng độ quá đậm đặc. Tương tự, củ, rễ cây đinh lăng, nhân sâm… nếu ngâm tươi, không qua xử lý hoặc ngâm với liều lượng rượu không đủ để thẩm thấu làm chín rễ cây thì rễ cây sẽ sinh ra một loại độc tố nguy hiểm với cơ thể con người. Ngoài ra, trong thiên nhiên có những cây sẽ tiềm ẩn độc tố nếu chúng mọc gần những cây có độc, khi khai thác mang về ngâm rượu mà không biết cách xử lý sẽ rất nguy hiểm.

 “Thông thường, khi ngâm các loại rễ cây phải có “quân, tần, tá, sứ” tức là phải có nhiều vị, có thêm các loại dược liệu phù hợp đi kèm. Đặc biệt, không phải ngâm gì là uống được nấy, bởi ngay các loại dược liệu cũng cần có chỉ định tốt cho bệnh lý này, hại cho bệnh lý kia. Dù là vị thuốc hay, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì sẽ trở thành độc hại. Tốt nhất, người dân không nên tự tiện sử dụng rễ cây ngâm rượu, bởi nó tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa. Nếu muốn ngâm rễ cây để uống, nên hỏi những người có chuyên môn về đông y, đông dược để được hướng dẫn các bước ngâm đúng quy trình, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”, lương y Võ Thuận Hóa nhấn mạnh.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.