Multimedia Đọc Báo in

Những lợi ích từ việc rửa tay bằng xà phòng

08:24, 02/12/2018
Trước tình hình bệnh truyền nhiễm gia tăng, khuẩn kháng thuốc kháng sinh trỗi dậy, việc phòng chống bệnh tật trở nên vô cùng quan trọng. Trong đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là biện pháp đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu…

Thế nào là rửa tay đúng cách?

Theo nghiên cứu của Đại học Y khoa Harvard (HMS), rửa tay đúng cách vẫn là phương án loại bỏ vi trùng và vi khuẩn một cách hiệu quả nhất bởi bàn tay con người trực tiếp tiếp xúc với vi khuẩn nhiều nhất. Những người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người già mà không rửa tay thường xuyên rất dễ mắc bệnh.

Theo HMS, không có quy định cụ thể về tần suất rửa tay hằng ngày mà phụ thuộc vào môi trường sống và làm việc. Nên rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh; trước khi ăn uống; khi tay bẩn; sau khi sử dụng các vật dụng chứa vi khuẩn như điện thoại di động, vô lăng ô tô công cộng, tay nắm cửa, đếm tiền, sau khi hắt hơi hoặc ho vào tay…

Cũng theo nghiên cứu của HMS thì sau khi thoa xà phòng, hai tay cọ xát vào nhau ít nhất 15 giây, sau đó rửa sạch dưới vòi nước. Khi rửa, tập trung vào lòng, mu, kẽ và cả đầu ngón tay, cụ thể theo các bước sau:

- Làm ướt tay bằng cách giữ chúng dưới vòi nước trong vài giây.

- Chà xà phòng khắp lòng và mu bàn tay.

- Khi đủ bọt, hãy cọ xát lòng bàn tay lại với nhau.

- Chà lòng bàn tay vào mặt trong và ngoài với bàn tay kia và đan xen vào các kẽ, lặp đi lặp lại nhiều lần.

- Chà xát lòng bàn tay và các ngón tay với nhau, cả mặt trước, mặt sau và ngược lại.

- Dùng bàn tay rửa các ngón của bàn tay kia nhiều lần và ngược lại, theo chuyển động tròn, làm điều này ở cả hai tay.

- Rửa sạch cả hai tay bằng nước, sau đó lau khô tay bằng khăn giấy và tiếp tục sử dụng khăn này để tắt vòi nước.

Các bước rửa tay đúng cách bằng xà phòng.  (Ảnh minh họa)
Các bước rửa tay đúng cách bằng xà phòng. (Ảnh minh họa)

Lợi ích thiết thực của rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

* Tạo môi trường an toàn cho nhân viên y tế và bệnh nhân: Công việc ngành y về bản chất thường “phơi nhiễm” với các môi chất truyền bệnh. Vì vậy, việc rửa tay là cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc. Không chỉ các bác sĩ, bệnh nhân, khách thăm viếng bệnh nhân cũng cần được vệ sinh tuyệt đối, rửa tay bằng xà phòng chất lượng cao, sử dụng các chất khử trùng và xử lý chất thải tốt.

* Giúp phòng ngừa tiêu chảy và các loại bệnh đường ruột: Tiếp xúc với các vật dụng đầy vi khuẩn có thể gây bệnh tiêu chảy và bệnh đường ruột. Nếu sự nhiễm bẩn xảy ra lặp đi lặp lại, có thể gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, khiến con người mắc bệnh mãn tính, nhất là hệ vi khuẩn đường ruột mới. Rửa tay thường xuyên sẽ hạn chế hoặc loại bỏ căn bệnh này. 

* Tránh nhiễm trùng mắt: Đây là căn bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào mắt từ bàn tay của chúng ta như viêm kết mạc (mắt đỏ), viêm giác mạc, sưng tấy bờ mi, viêm bờ mi.... Rửa tay là cách tốt nhất để kiểm soát căn bệnh này. Khi tay bẩn chưa rửa thì không được chạm hay dụi vào mắt.

* Ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp: Những yếu tố gây nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm vi khuẩn, virút và thậm chí một số loại nấm với các triệu chứng phổ biến như ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, nghẹt mũi... Rửa tay thường xuyên sẽ loại bỏ những mầm bệnh này một cách dễ dàng và hạn chế phát sinh các căn bệnh thứ cấp từ đường hô hấp suy yếu mà ra.

* Giảm vi khuẩn trên đôi tay: Vi khuẩn thường bám “lì lợm” trên bàn tay và các vật dụng trong nhiều ngày. Rửa tay thường xuyên sẽ giúp làm sạch vi khuẩn, không thể thâm nhập vào cơ thể qua đường miệng hay mắt.

* Rửa tay giúp nơi làm việc không có vi khuẩn: Mọi người thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh sạch sẽ thiết bị văn phòng bằng sản phẩm làm sạch có chứa cồn sẽ giúp hạn chế vi khuẩn sinh sôi. Đây là cách làm đã được sử dụng thành công và trở thành quy ước tại công sở ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Khắc Duy

(Dịch từ ACA-11/2018)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.