Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Y tế cơ sở còn nhiều khó khăn

08:45, 14/01/2019

Dù đã nỗ lực, song do điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị y tế xuống cấp, một số trạm y tế còn thiếu bác sĩ khiến cho công tác khám chữa bệnh ở tuyến xã của huyện Buôn Đôn gặp nhiều khó khăn.

Tại Trạm Y tế xã Ea Nuôl, sau khi bác sĩ công tác ở trạm nghỉ hưu, từ ngày 1-7-2017 đến nay, Trạm vẫn chưa có bác sĩ mới về công tác nên chủ yếu chỉ thăm khám các bệnh đơn giản hay sơ cứu, còn lại hầu hết đều phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Minh Lành, Phó trưởng Trạm cho biết: Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Trung tâm Y tế huyện đã điều động 1 bác sĩ của Trung tâm về làm việc tại trạm 3 ngày/tuần. Tuy nhiên, do bác sĩ tăng cường không làm việc tại trạm liên tục nên người dân chẳng mấy “mặn mà” đến khám chữa bệnh. Không những thế, cũng vì thiếu bác sĩ, các dịch vụ cận lâm sàng tại trạm như xét nghiệm, siêu âm hay điện tim cũng không thể thực hiện.

Còn tại Trạm Y tế xã Tân Hòa, mặc dù đảm nhận vai trò khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho gần 13.000 dân trên địa bàn, nhưng trạm hiện chỉ có 8 cán bộ, nhân viên. Nếu thực hiện theo Thông tư 08/TTLT-BYT-BNV ngày 5-6-2007 của liên bộ Y tế - Nội vụ thì nhân lực của Trạm Y tế xã Tân Hòa chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đặt ra. Cùng với sự thiếu thốn về nhân lực, khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng khiến cho hiệu quả khám chữa bệnh chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu người dân. Y sĩ sản nhi Linh Đức Dũng, Phó trưởng Trạm Y tế xã Tân Hòa chia sẻ: "Với lực lượng mỏng, ngày thường chúng tôi cố gắng cáng đáng cơ bản công việc của trạm, nhưng khi xảy ra dịch bệnh thì dù nỗ lực đến đâu cũng khó mà bảo đảm được hiệu quả công việc".

Cộng tác viên y tế xã Ea Wer tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về phòng chống một số bệnh truyền nhiễm.
Cộng tác viên y tế xã Ea Wer tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về phòng chống một số bệnh truyền nhiễm.

Hiện nay, huyện Buôn Đôn có 7 trạm y tế xã, trong đó nhiều trạm mới chỉ thực hiện tốt chức năng truyền thông sức khỏe và tiêm chủng mở rộng, chưa thu hút bệnh nhân tới khám và điều trị. Nguyên nhân một phần là do các trạm còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu nhân lực, nhiều hoạt động phải kiêm nhiệm, nhất là hoạt động khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Hiện hai Trạm Y tế xã Ea Nuôl và Ea Wer đang thiếu bác sĩ, Trung tâm Y tế huyện phải cử 1 bác sĩ của Trung tâm và 1 bác sĩ của Trạm Y tế xã Tân Hòa xuống 2 trạm này để phối hợp khám chữa bệnh cho người dân 3 ngày/tuần. Dẫu vậy, đây cũng chỉ được xem là giải pháp tình thế, bởi nhân lực của Trung tâm Y tế huyện hay các trạm y tế đều đang ở trong tình trạng thiếu hụt, hơn nữa bệnh tật của người dân có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là những trường hợp cấp cứu, rất cần có bác sĩ thường trực tại trạm .

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, thời gian qua, mặc dù y tế cơ sở đã có nhiều nỗ lực và đạt được hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh, song việc thiếu hụt bác sĩ đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân. Đã có thời điểm, Trung tâm thực hiện ký hợp đồng với một số bác sĩ về làm việc tại các trạm, song vì thu nhập thấp, cộng với môi trường làm việc không thu hút dẫn đến không “giữ chân” được họ. Đó là chưa nói đến đội ngũ các y sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… cũng thiếu hụt về chủng loại, trình độ và kinh nghiệm chưa cao nên không tạo được niềm tin cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại cơ sở.

Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Nuôl.
Người dân đến khám bệnh tại Trạm Y tế xã Ea Nuôl.

Có thể thấy, với chức năng là tuyến cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, không thể phủ nhận vai trò, vị trí của các trạm y tế đối với địa phương, nhất là huyện biên giới còn nhiều khó khăn như Buôn Đôn. Do đó, để các trạm y tế nơi đây phát huy tối đa hiệu quả của mình, rất cần đến những chính sách, cơ chế mang tính đồng bộ lâu dài như việc đầu tư kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thêm các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Cùng với đó, phải có chế độ đãi ngộ, động viên đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế để thu hút họ làm việc và gắn bó với y tế cơ sở.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.