Bệnh sởi và những biến chứng nguy hiểm
Sởi là bệnh truyền nhiễm rất thường gặp ở trẻ em do vi rút gây ra. Bệnh này tuy lành tính, nhưng nếu không được tiêm chủng đầy đủ, khi mắc bệnh không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nhiều trẻ bị biến chứng do sởi
Theo thông tin từ ngành Y tế, đến thời điểm này đã có 43/63 tỉnh, thành phố trên cả nước ghi nhận các trường hợp mắc sởi. Bệnh xuất hiện chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi nhưng cũng có các trường hợp mắc sởi ở người lớn. Còn tại Đắk Lắk, tính đến ngày 27-2, toàn tỉnh ghi nhận gần 300 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 77 trường hợp dương tính với vi rút sởi. Đáng chú ý, trong số các bệnh nhân nói trên đã xuất hiện một số trường hợp biến chứng do sởi gây ra. Đơn cử như trường hợp của bé Y An Ktul, hơn 11 tháng tuổi, ở buôn Kô Sia, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, bị sởi biến chứng viêm phổi nặng đang được điều trị tích cực tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) vùng Tây Nguyên.
Chị H’ Nuăl Ktul, mẹ của Y An cho biết: “Thấy cháu bị sổ mũi, nghẹt mũi mấy ngày rồi kèm theo sốt nhẹ, tôi đưa cháu đi khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị viêm mũi họng, cho thuốc về uống theo đơn. Sau mấy ngày bệnh cháu không bớt mà còn nổi ban, ngày 23-2, tôi đưa con đến bệnh viện thành phố. Tại đây cháu được chẩn đoán bệnh sởi và chỉ định nhập viện. Hai ngày sau đó, bác sĩ nói con tôi bị sởi biến chứng viêm phổi nặng và cho chuyển viện lên tuyến trên. Đến nay đã thêm 4 ngày điều trị, sức khỏe con tôi đã tạm ổn, các bác sĩ nói cháu phải điều trị kháng sinh thêm 5-7 ngày nữa mới có thể xuất viện”.
Một trường hợp trẻ mắc sởi biến chứng viêm phổi đang điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên. |
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh cho biết, nếu một trẻ mắc sởi thông thường thì chỉ cần điều trị từ 5-7 ngày sẽ khỏi, nhưng những trường hợp có bội nhiễm kèm theo (viêm kết mạc mắt, viêm thanh quản, viêm phổi, viêm màng não), thời gian điều trị sẽ kéo dài (ít nhất phải kéo dài thêm sau điều trị sởi từ 7-10 ngày) và vất vả hơn nhiều. |
Số liệu thống kê của Khoa Nhi tổng hợp, BVĐK vùng Tây Nguyên cho thấy, thời điểm hiện tại (ngày 28-2), khoa đang tiếp nhận điều trị 15 bệnh nhân mắc sởi, trong đó có 5 trường hợp có biến chứng do sởi. Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp chia sẻ: “Khi bị phơi nhiễm bệnh sởi trong quá trình tiếp xúc với người bệnh, vi rút sởi sẽ vào máu, cư trú và tàn phá các hạch bạch huyết - cơ quan miễn dịch của cơ thể, gây tình trạng suy giảm miễn dịch tạm thời ở trẻ. Sau đó vi rút vào máu và đến các cơ quan đích và gây tổn thương các cơ quan này, chẳng hạn như: kết mạc mắt, đường hô hấp trên, đường hô hấp dưới, não, màng não hay một số cơ quan khác. Trẻ mắc sởi thường có các triệu chứng: đỏ mắt, viêm long đường hô hấp, sốt cao, sau đó thì có xuất hiện các hạt Koplik và phát ban từ đầu, mình, ngực, bụng đến chân và để lại những vết vằn da hổ. Khi mắc bệnh sởi, miễn dịch bị suy giảm tạm thời, nếu như chăm sóc không đúng cách, người bệnh có thể bị biến chứng nguy hiểm do sự tấn công của vi khuẩn bội nhiễm hoặc các vi rút khác không phải vi rút sởi. Các biến chứng hay gặp nhất là: viêm phổi, viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm phế quản, thậm chí một số trường hợp có thể bị biến chứng tổn thương não, viêm não - màng não cực kỳ nguy hiểm. Vì thế tỷ lệ tử vong của bệnh sởi khi bị bội nhiễm hoặc biến chứng sẽ cao hơn những bệnh nhân mắc sởi thông thường”.
Cách phòng bệnh hiệu quả
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong số các trường hợp mắc sởi trên địa bàn tỉnh có gần 90% bệnh nhân chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, tiêm chưa đủ mũi hoặc không nhớ rõ tiền sử tiêm chủng. Trong khi đó, bệnh sởi hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên để tránh cho trẻ mắc bệnh sởi, các bậc cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh. Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khẳng định: “Cho đến bây giờ, tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất, rẻ nhất và an toàn nhất để bảo vệ sức khỏe người dân đối với những loại bệnh có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có bệnh sởi”.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại vắc xin phòng bệnh sởi, song chủ yếu được chia làm 2 loại: loại đơn và loại phối hợp. Vắc xin phòng sởi đơn thường được tiêm mũi 1 khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi. Còn với vắc xin phối hợp MMR (vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi-quai bị-rubella), mũi đầu tiên thường được tiêm khi trẻ 13 tháng tuổi, mũi thứ 2 được tiêm khi trẻ 2 - 4 tuổi. Tuy nhiên, để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc bệnh sởi, nhất là ở những khu vực có nguy cơ cao (khu vực đang có dịch sởi bùng phát), các chuyên gia y tế khuyến cáo nên cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi ngay khi trẻ được 9 tháng tuổi. Bởi trẻ được bảo vệ càng sớm thì càng ít nguy cơ mắc bệnh. Ngay cả những trường hợp đã được tiêm một mũi vắc xin sởi thì nếu có mắc bệnh cũng bị nhẹ hơn và giảm đáng kể biến chứng do sởi gây ra.
Ngoài việc cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, để phòng bệnh sởi hiệu quả, bác sĩ Phạm Văn Lào cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý: không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh sởi; thường xuyên vệ sinh sàn nhà, đồ chơi của trẻ bằng xà phòng hoặc thuốc sát khuẩn; có chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho trẻ…
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc