Chăm sóc trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV
Hằng năm nước ta có trên 2 triệu phụ nữ mang thai; theo ước tính của Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này là 0,21%, như vậy ước tính mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn phụ nữ mang thai nhiễm HIV.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con vào khoảng 30 - 40% nếu bà mẹ nhiễm HIV mang thai không được can thiệp và điều trị dự phòng; khi được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỷ lệ này giảm xuống còn 2 - 5%, thậm chí còn thấp hơn nữa.
Ước tính hiện nay trên toàn quốc có 8.500 trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 15 tuổi đang chung sống với HIV/AIDS. Do vậy, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho trẻ bị nhiễm HIV như thế nào, việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV ra sao là điều mà tất cả mọi người cần quan tâm.
Chăm sóc trẻ ngay sau khi sinh từ bà mẹ nhiễm HIV có những khác biệt đòi hỏi người chăm sóc phải nắm rõ các kỹ năng và thực hiện đúng cách. Sau khi các bé ra đời không cần cách ly mẹ và bé nhưng phải chú ý lúc cho bé ăn, tắm. Trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con, sau khi sinh bé cần được tắm để đề phòng nhiễm trùng da. Khi chăm sóc bé nên đeo găng để giảm khả năng lây truyền. Sau khi sinh, người mẹ sẽ được chuyển tiếp đến các trung tâm điều trị HIV để được theo dõi nếu cần điều trị thuốc kháng ARV, các em bé cũng được chuyển đến các cơ sở nhi khoa để theo dõi và và có thể được hỗ trợ sữa thay thế. Cần giữ cho trẻ được khỏe mạnh bằng cách cho trẻ sống trong môi trường vệ sinh, sạch sẽ, an toàn.
Xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh. |
Trẻ nhiễm HIV bị suy giảm hệ thống miễn dịch nên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những trẻ khác và nếu mắc bệnh thì bệnh diễn biến trầm trọng hơn; do đó, cần bảo đảm cho trẻ được tiêm chủng đầy đủ, cách ly trẻ xa với những trẻ đang bị ốm hoặc những người ốm, nhất là bệnh nhân mắc bệnh lao. Khi trẻ lớn, cần dạy và hướng dẫn trẻ biết cách tự chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cá nhân.
Trong vệ sinh răng miệng: đối với trẻ dưới 3 tuổi nên dùng vải mềm sạch nhúng nước sạch lau sạch răng lợi và miệng sau khi ăn, nếu trẻ bị tưa miệng có thể đánh tưa miệng bằng mật ong hoặc dùng dịch thuốc tím chấm tại chỗ từ 1 - 2 lần/ngày, nếu tái phát hoặc không khỏi trong 1 - 2 tuần cần đưa trẻ đến bệnh viện khám bệnh; đối với trẻ trên 3 tuổi, trẻ cần được đánh răng buổi sáng sau khi ăn và trước khi đi ngủ, mỗi năm 2 lần cho trẻ đi khám răng miệng.
Dấu hiệu đầu tiên của trẻ nhiễm HIV có thể là những vết đau ở miệng nên cần báo cho bác sĩ nha khoa để trẻ được thăm khám cẩn thận. Bàn chải răng, khăn mặt cần để ở nơi sạch, thoáng mát có ánh nắng mặt trời và sử dụng riêng. Tạo cho trẻ có thói quen thường xuyên rửa tay, không chơi hoặc ở gần các súc vật nuôi như chó, mèo… Cần tắm rửa cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch và sữa tắm, sau khi tắm xong lau khô da bằng khăn sạch, xoa phấn rôm vào nếp da, các kẽ da để tránh hăm loét; quần áo mặc cần thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Cần đưa trẻ đi khám định kỳ và thực hiện các biện pháp chăm sóc theo hướng dẫn của thầy thuốc, khi trẻ có nhu cầu điều trị bằng thuốc kháng vi rút thì cần phải tuân thủ điều trị đúng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Nguyễn Công Thành
Ý kiến bạn đọc