Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin chủ động phòng chống bệnh sởi

09:14, 05/03/2019

Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi ở nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Cư Kuin đã chủ động triển khai các biện pháp, hoạt động phòng chống bệnh sởi với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh sởi và triển khai đến các xã trên địa bàn; điều tra đối tượng từ 1 đến 5 tuổi nhằm xác định số mũi tiêm phòng đã thực hiện và có kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi; chủ động lập kế hoạch giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các xã, thôn, buôn; bám sát cơ sở nắm tình hình dịch bệnh để kịp thời phát hiện, điều trị, cách ly các trường hợp mắc bệnh. Song song với đó, TTYT huyện cũng tăng cường công tác truyền thông đến người dân về các biện pháp phòng chống, hưởng ứng tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng; tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ trạm y tế và các cộng tác viên y tế; dự trù các loại thuốc điều trị, vật tư y tế, hóa chất dự phòng để sẵn sàng sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra.

Giáo viên Trường  Mầm non Vành Khuyên hướng dẫn  học sinh  các bước rửa tay đúng cách.
Giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên hướng dẫn học sinh các bước rửa tay đúng cách.

Bác sĩ Nguyễn Thúc Mai, Phó Giám đốc phụ trách TTYT huyện Cư Kuin cho biết: Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh sởi. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, huyện đã cấp Clorin B cho các trường học, điểm dân cư để khử khuẩn. Cùng với đó, ngành Y tế cũng phát hàng nghìn tờ rơi về phương pháp phòng, chống dịch bệnh cho các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi, giáo viên các trường mầm non, nhà trẻ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh và các buổi họp thôn, buôn nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân trong việc bảo đảm sức khỏe cho trẻ.

 
“Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut gây ra, thường lây truyền qua đường hô hấp, do đó rất dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư… Khi trẻ có các triệu chứng như: sốt, ho nhiều, viêm kết mạc mắt, nổi ban trên da… cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị, tư vấn chăm sóc kịp thời”.
 
Bác sĩ Nguyễn Thúc Mai, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin

Tại xã Dray Bhăng, 5 cộng tác viên y tế thường xuyên bám sát địa bàn 5 thôn, buôn và các trường học tuyên truyền cho người dân cách thức vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, muỗi, vệ sinh cá nhân, chú trọng tiêm vắc xin phòng chống bệnh sởi. Theo bác sĩ Đậu Thế Hùng, Trưởng Trạm Y tế xã Dray Bhăng, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên ý thức phòng bệnh của người dân đã được nâng cao đáng kể. Những phụ huynh có con nhỏ đã chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ. Nhờ vậy, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã chưa có  trường hợp nào mắc bệnh sởi.

Các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn huyện cũng tích cực phòng chống dịch bệnh cho trẻ. Đơn cử như tại Trường Mầm non Vành Khuyên (xã Hòa Hiệp) có khá đông học sinh với 9 lớp, 256 trẻ, học sinh dân tộc thiểu số chiếm 20% nhưng 3 năm gần đây không có trường hợp nào bị mắc bệnh sởi. Cô Nguyễn Thị Liệu, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên cho hay, hằng tuần nhà trường đều tổ chức vệ sinh xung quanh khu vực trường, lớp học, đồ chơi, dụng cụ học tập bằng nước sát khuẩn; giáo dục cho các em ý thức vệ sinh cá nhân, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đùa. Trong giờ đón, trả trẻ, các giáo viên thường xuyên nhắc nhở, tư vấn cho phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách và bổ sung dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày để tăng sức đề kháng cho trẻ tại nhà, chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin (bìa phải) hướng dẫn giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên cách phòng chống bệnh sởi.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin (bìa phải) hướng dẫn giáo viên Trường Mầm non Vành Khuyên cách phòng chống bệnh sởi.

Theo bác sĩ Nguyễn Thúc Mai, mặc dù trên địa bàn huyện chưa có trường hợp mắc bệnh sởi và ý thức phòng chống bệnh của người dân đã được nâng lên, nhưng trước diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng của bệnh sởi tại các địa phương thì cũng không thể chủ quan, lơ là. Thời gian tới, Trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đa khoa huyện và trạm y tế các xã chủ động theo dõi tình hình bệnh sởi; đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, chỉ đạo cộng tác viên y tế thường xuyên đến tận nhà dân để tuyên truyền, nâng cao ý thức và hướng dẫn người dân cách phòng tránh.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.