Multimedia Đọc Báo in

Nguy hiểm khôn lường khi chữa ung thư bằng các bài thuốc truyền miệng

14:03, 03/03/2019

Khi phát hiện mình bị bệnh ung thư, nhiều bệnh nhân đã tìm đến các bài thuốc dân gian truyền miệng, coi đó như một “cứu cánh” dù các bài thuốc ấy chưa được kiểm chứng khiến người bệnh đánh mất thời gian “vàng” chữa bệnh của mình, thậm chí làm bệnh tình ngày càng nặng thêm.

Như trường hợp chị Phạm Thị Thuần (trú huyện Cư Kuin) phải chịu hậu quả đau đớn vì trót tin theo những lời đồn đại, chữa bệnh kiểu truyền miệng bằng cách đắp các loại lá như lá đu đủ, bồ công anh…, uống các loại thuốc được chế biến không rõ nguồn gốc.

Chị kể: “Cách đây một năm tôi đi khám thì các bác sĩ thông báo tôi bị ung thư vú. Thời gian đầu mới phát hiện bệnh, tôi điều trị tại bệnh viện theo chỉ dẫn của các bác sĩ. Sau đó, tôi bắt đầu nghe người này, người kia chỉ các bài thuốc trị ung thư và nhờ người mua về dùng. Giờ tôi đang phải chịu đựng những cơn đau chưa từng có khi một bên ngực bị sưng phồng, lở loét”. Không chỉ chị Thuần, rất nhiều bệnh nhân ung thư nghe lời đồn thổi, làm theo các bài thuốc chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội khiến da bị lở loét, nhiễm trùng nặng dẫn đến những biến chứng nặng nề.

Bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi, điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bệnh nhân được các bác sĩ theo dõi, điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Bác sĩ Hồ Ngọc Sơn (Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết: Do tâm lý muốn nhanh chóng được khỏi bệnh, bất kể tốn kém bao nhiêu tiền của, rất nhiều bệnh nhân chỉ cần nghe nói có bài thuốc chữa khỏi bệnh ung thư là lập tức mua về sử dụng mà không hề hay biết rằng chính những cách làm mù quáng, những phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học đó đã vô tình khiến bệnh tình của họ ngày một nặng thêm. Rất nhiều bệnh nhân bỏ qua thời gian “vàng” điều trị và chạy chữa theo những thông tin không chính thống, những bài thuốc không có cơ sở khoa học. Thậm chí, nhiều trường hợp bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện đã bỏ viện về nhà điều trị theo các bài thuốc truyền miệng, theo các thầy lang không được cấp chứng chỉ hành nghề...

Thực tế, điều trị ung thư là vấn đề rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn sâu, kết hợp đa mô thức, đa chuyên khoa mới có thể điều trị hiệu quả. Người dân cũng như bệnh nhân ung thư cần tìm hiểu và tham khảo các nguồn thông tin, tài liệu chính thống về phòng chống căn bệnh này từ các bác sĩ chuyên khoa và các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cần tư vấn bác sĩ chẩn đoán, điều trị của mình để hiểu rõ về bệnh tình, các phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng và tiên lượng; không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian, đánh mất cơ hội điều trị vì lựa chọn các phương pháp không rõ nguồn gốc, chưa có cơ sở khoa học.

“Hiện nay, người dân bị ảnh hưởng rất nhiều bởi mạng xã hội, không biết chọn lọc đâu là thông tin đúng và đâu là thông tin sai lệch. Có quá nhiều suy nghĩ, quan niệm sai lầm về căn bệnh ung thư khiến người bệnh bỏ lỡ mất cơ hội vàng của chính mình. Điều đáng nói, đánh vào tâm lý của người mắc bệnh ung thư, nhiều người tự xưng chữa được bệnh ung thư, lợi dụng tâm lý đường cùng của bệnh nhân để trục lợi bằng nhiều chiêu trò như lập ra các trang facebook tung tin chữa được ung thư rồi bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc với giá “cắt cổ”. Thực tế, hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các bài thuốc lan truyền trên mạng chữa khỏi bệnh ung thư. Nếu nghi ngờ mắc ung thư, người bệnh nên tới bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, đưa ra phương pháp chữa trị như sử dụng các biện pháp xạ trị, hóa trị giúp ngăn cản tiến triển của ung thư, cải thiện triệu chứng và kéo dài thời gian sống. Không nên tự tìm hiểu, tin theo "bác sĩ gu-gồ" hoặc những lời truyền miệng vô căn cứ để rồi tiền mất, tật mang”, bác sĩ Hồ Ngọc Sơn khuyến cáo.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.