Multimedia Đọc Báo in

Ăn chín, uống sôi để phòng bệnh sán lợn

08:04, 08/04/2019

Để phòng nhiễm bệnh sán lợn, người dân cần chủ động thực hành các biện pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn; chủ động theo dõi, giám sát và phát hiện bệnh, điều trị tích cực, kịp thời đối với các trường hợp nhiễm bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, bệnh sán lợn xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh, thành phố. Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành phố phát hiện trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, sán lợn ký sinh trong ruột non ở người và cả gia súc (lợn, chó, mèo). Khi bị nhiễm, ấu trùng sẽ di chuyển qua niêm mạc ruột, cư trú ở các cơ, thần kinh, đặc biệt là ở cơ lưỡi, cơ thịt; ký sinh ở gan sẽ bị nặng hơn. Tuy nhiên, do các triệu chứng không điển hình nên việc phát hiện bệnh sán lợn rất khó (bệnh giun sán không có triệu chứng như các bệnh truyền nhiễm, không làm chết ngay, không sốt, không có các triệu chứng như bại liệt hẳn).

Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun, nấu ở nhiệt độ 75oC trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Bệnh có hai thể chính là bệnh ấu trùng sán lợn và bệnh sán trưởng thành ở ruột. Hiện nay, việc kiểm tra thú y đối với bệnh sán lợn cũng rất khó khăn, vì việc kiểm soát thường diễn ra từ trước và sau khi mổ, trong khi đó nang ấu trùng - hình như hạt gạo ẩn trong các thớ thịt có khi rất ít nên khó phát hiện. Đặc biệt, lợn bị nhiễm sán vẫn khỏe mạnh bình thường nên để biết lợn có bị sán hay không cũng rất khó phát hiện.

Để xác định người bệnh có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và dựa vào các xét nghiệm. Bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Đồng thời không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống hay rau sống không bảo đảm vệ sinh; người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.