Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Bệnh sốt rét gia tăng đột biến

08:51, 01/04/2019

Trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, số ca mắc bệnh sốt rét trên địa bàn huyện Krông Năng gia tăng đột biến và khó kiểm soát.

Những năm trước, bệnh sốt rét trên địa bàn huyện chỉ ghi nhận vài ca nhưng trong năm 2018  tăng đột biến với 124 ca. Đáng nói, từ đầu năm đến nay, toàn huyện cũng đã ghi nhận 40 ca sốt rét, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tập trung chủ yếu ở hai xã Ea Đăh và Dliê Ya. Riêng tại thôn Giang Đông (xã Ea Đăh), thời điểm hiện tại đã có 26 trường hợp mắc bệnh sốt rét.

Theo Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea Đăh - y sĩ Trần Văn Hiển, nguyên nhân gia tăng số ca mắc sốt rét là do thôn này tiếp giáp với xã Ea Sô - là vùng trọng điểm sốt rét của huyện Ea Kar. Mặc khác, do nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế, hay đi rừng, ngủ rẫy dài ngày nhưng điều kiện ăn, ở, sinh hoạt không bảo đảm, không ít người vẫn có thói quen sử dụng nước sông, suối trong sinh hoạt, ngủ  không mắc màn… Điều này cũng gây rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống sốt rét nơi đây.

Cán bộ y tế xã Ea Đăh và thôn Giang Đông (bìa phải) tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt rét.
Cán bộ y tế xã Ea Đăh và thôn Giang Đông (bìa phải) tuyên truyền cho người dân về bệnh sốt rét.

Chẳng hạn như trường hợp của gia đình ông Sùng A Chay  khi đi rừng cả 3 cha con đều mắc bệnh. Ban đầu, gia đình ông nghĩ đơn giản là do ốm đau theo mùa hoặc làm việc quá sức nên chỉ ở nhà tự chạy chữa. Chỉ khi được cán bộ y tế đến tuyên truyền, giải thích cặn kẽ thì ông mới hiểu ra rằng, bệnh sốt rét không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn nguy hiểm đến tính mạng nên đã nhờ người thân chở cả 3 cha con đến Trạm Y tế xã để được bác sĩ thăm khám. Sau mấy ngày điều trị theo phác đồ, bệnh tình của cha con ông đã thuyên giảm và được trở về nhà. Ông Sùng A Chay cho biết: "Người dân  trong thôn chủ yếu đi làm rẫy xa nhà nên thường ăn, ngủ tại rẫy nhiều ngày liền. Ban đêm thường ngủ không có  màn lại ăn uống không bảo đảm vệ sinh. Cách đây mấy ngày, tôi thấy đau đầu, chóng mặt và thường ngày vào buổi chiều có cảm giác lạnh, run... Vì không biết mình bị sốt rét nên tôi chỉ nằm nhà và nhờ người thân kiếm thuốc từ cây rừng. May mà cán bộ y tế đến nhà thăm khám, hướng dẫn lên Trạm Y tế xã để điều trị thì mới biết mình bị bệnh sốt rét và được uống thuốc, điều trị kịp thời ...".

Trước tình hình số ca mắc sốt rét gia tăng và diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế huyện Krông Năng đã tiến hành cấp 15.000 cái màn, 140 võng màn cho các hộ dân thường xuyên có người “đi rừng, ngủ rẫy”, các gia đình ở vùng khó khăn; phun hóa chất, xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng, giám sát nhà dân, ca bệnh... nhằm phát hiện và điều trị kịp thời, hiệu quả cho các trường hợp mắc, tránh chuyển sang giai đoạn sốt rét ác tính và tử vong. Cùng với đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng luôn được ngành Y tế quan tâm hàng đầu. Bên cạnh việc tuyên truyền bằng tờ rơi, băng rôn, áp phích hay qua các phương tiện thông tin đại chúng thì đội ngũ cán bộ y tế xã cùng cộng tác viên y tế thôn, buôn thường xuyên đến từng địa bàn dân cư để nắm bắt tình hình sức khỏe nhân dân, giám sát ca bệnh; hướng dẫn, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như: san lấp các hố, ao tù nước đọng, khơi thông cống rãnh, loại bỏ các vật dụng chứa nước không dùng để hạn chế loăng quăng (bọ gậy), phát quang bụi rậm để ngăn ngừa nguồn gây bệnh…

Trưởng trạm Y tế xã Ea Dăh Trần Văn Hiển tặng màn chống muỗi kết hợp tuyên truyền về cách phòng, chống bệnh sốt rét cho người dân thôn Giang Đông.
Trưởng trạm Y tế xã Ea Dăh Trần Văn Hiển tặng màn chống muỗi kết hợp tuyên truyền về cách phòng, chống bệnh sốt rét cho người dân thôn Giang Đông.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Năng cho biết: Bệnh sốt rét là một bệnh lây nhiễm, do ký sinh trùng sốt rét gây nên và muỗi Anophen là thủ phạm truyền bệnh từ người bệnh sang người lành. Bệnh nặng (sốt rét ác tính) nếu không được cứu chữa kịp thời có thể sẽ dẫn tới tử vong. Thời gian qua, mặc dù ngành Y tế đã cấp màn ngủ và hướng dẫn cách phòng, chống bệnh sốt rét nhưng người dân không thực hiện khiến số ca mắc sốt rét gia tăng và lây lan nhanh trong cộng đồng. Thời tiết diễn biến bất thường có thể khiến ký sinh trùng gây bệnh phát triển nhanh. Vì thế, người dân cần lưu ý đặc biệt tránh xa những khu vực ẩm thấp vì nó thể là nơi sinh sôi của muỗi; những người đi làm và ở lại trong  rừng núi cần phải ngủ màn, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng; đi khám ngay khi thấy các triệu chứng nghi bị nhiễm bệnh sốt rét.

Dự báo diễn biến của bệnh sốt rét trong thời gian tới sẽ rất phức tạp khi mùa mưa đang đến gần. Vì thế, để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của bệnh sốt rét ra cộng đồng, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền các cấp và sự hợp tác từ phía người dân.

Nguyễn Thế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.