Phòng chống bệnh lao ở phụ nữ mang thai và trẻ em
Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao (tên khoa học là Mycobacterium Tuberculosis) gây ra. Mặc dù đã có thuốc chữa khỏi hoàn toàn nhưng hiện lao vẫn là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm.
Đặc biệt, căn bệnh này vô cùng nguy hiểm ở phụ nữ mang thai và trẻ em, những đối tượng có sức đề kháng yếu và dễ bị vi khuẩn lao tấn công.
Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể cũng có thể bị lao nhưng lao ở phổi chiếm hơn 80% số ca mắc lao và đây cũng là thể bệnh duy nhất có thể lây cho người khác qua đường hô hấp. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh, trung bình mỗi năm bệnh viện tiếp nhận điều trị khoảng 15 - 20 trường hợp phụ nữ mang thai mắc lao phổi ở nhiều giai đoạn thai kỳ khác nhau, có năm lên đến 40 trường hợp. Tỷ lệ này tuy không cao so với tổng số ca mắc lao chung nhưng đây là vấn đề đáng lưu tâm bởi điều trị bệnh lao cho phụ nữ mang thai có phác đồ riêng, phức tạp hơn vì phải đảm bảo khỏi bệnh cho bà mẹ và sự an toàn của thai nhi.
Siêu âm thai ở Trạm Y tế Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin. |
Trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ sẽ tập trung toàn bộ năng lượng để nuôi dưỡng thai nhi nên khi bị vi khuẩn lao tấn công, cơ thể dễ bị suy kiệt, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu rất cao. Vì vậy, khi điều trị cho đối tượng này, các bác sĩ chuyên khoa luôn chú trọng hoạt động tư vấn, động viên bệnh nhân. Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu mà mắc lao dương tính nặng thì thầy thuốc sẽ đưa ra hai phương án để người nhà cân nhắc: tiếp tục điều trị nhưng phải chấp nhận rủi ro thai nhi có thể gặp các tai biến như thai chết lưu, suy dinh dưỡng bào thai; hoặc bỏ thai nhi để tập trung điều trị bệnh cho người mẹ. Đối với phụ nữ mang thai từ 4 tháng rưỡi trở lên thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị chuyên biệt, không dùng các loại thuốc có thể gây dị tật cho thai nhi. Trong trường hợp này, bệnh nhân phải tái khám liên tục, khám thai định kỳ để có những điều chỉnh kịp thời vì thuốc chữa bệnh lao mang hàm lượng kháng sinh rất mạnh nên thuốc dùng cho phụ nữ mang thai ở mỗi giai đoạn khác nhau bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trường hợp phụ nữ mang thai mắc lao kháng thuốc, đa kháng thuốc còn nguy hiểm hơn rất nhiều bởi thuốc điều trị thể lao này gồm nhiều loại và có tác động rất mạnh đến thai nhi, có thể gây ra dị tật thai nhi, thai chết lưu. Với những trường hợp này, đặc biệt ở phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thì các bác sĩ chuyên khoa đều khuyến cáo nên bỏ thai nhi. Nếu gia đình không chấp nhận, bác sĩ vẫn đưa ra phương pháp điều trị riêng nhưng gia đình phải cam đoan chấp nhận rủi ro….
Sau khi sinh con, người mẹ mắc bệnh lao vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ nhưng không nên cho trẻ bú trực tiếp mà nên vắt sữa cho trẻ ăn, vắt sữa trước khi uống thuốc lao. Trường hợp cả mẹ và trẻ đều uống thuốc lao thì không nên nuôi con bằng sữa mẹ vì một phần thuốc lao sẽ qua sữa, làm tăng nồng độ thuốc trong máu của trẻ, gây ngộ độc.
Trong khi việc điều trị bệnh lao cho phụ nữ mang thai gặp nhiều khó khăn và rủi ro thì việc phát hiện lao ở trẻ em cũng khó khăn không kém. Những trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG), trẻ từ 10 tuổi trở lên, trẻ suy dinh dưỡng, thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây… là đối tượng dễ mắc bệnh lao nhất. Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ cho biết, triệu chứng lao ở trẻ em có một chút khác biệt với người lớn, là trẻ không ho kéo dài và thường xuyên mà cơn ho chỉ xuất hiện thỉnh thoảng nên các bậc phụ huynh, thậm chí ngay cả một số bác sĩ chuyên khoa Nhi, cũng nhầm lẫn với các bệnh lý về đường hô hấp, nhất là bệnh viêm phổi. Do đó, trong công tác chẩn đoán trẻ mắc lao, cần chú trọng khai thác yếu tố tiền sử gia đình (trong gia đình có người mắc bệnh lao hay không? Hoặc trẻ có tiếp xúc với nguồn lây hay không?); xem xét các dấu hiệu đi kèm như sụt cân không rõ nguyên nhân, thường hay sốt về chiều tối…
Để phòng bệnh lao, mỗi người nên có lối sống lành mạnh, khoa học, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn, khi tiếp xúc với nguồn lây phải đeo khẩu trang. Trẻ em cần được tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG) trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. |
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc