Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng tình trạng rối loạn tâm thần do rượu, bia

10:20, 27/05/2019
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do sử dụng nhiều rượu, bia. Hầu hết người bệnh nhập viện đều trong tình trạng rối loạn cảm giác, có hành vi bất thường, rối loạn nhận thức...

Nhập viện vì… rượu

Uống rượu liên tục trong một thời gian dài khiến anh V.Đ.P. (43 tuổi, ở thôn 5, xã Cư Knia, huyện Buôn Đôn) rơi vào tình trạng sảng rượu, mất kiểm soát hành vi, la lối, đập phá đồ đạc nên gia đình phải đưa đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Sau hơn 1 tuần điều trị tích cực cả về thể chất lẫn tâm lý, đến nay, tình trạng sức khỏe của anh P. đã dần ổn định, không còn hung hãn, mất kiểm soát hành vi, nhưng đôi khi vẫn còn nói nhảm.

Cũng có thâm niên gần 20 năm “làm bạn” với rượu, anh N.L.B (44 tuổi, ở thôn Trung, xã Ya Lốp, huyện Ea Súp) đã trở thành bệnh nhân quen thuộc của Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng – Động kinh – Nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần tỉnh khi cứ 2 – 3 tháng lại nhập viện một lần vì sảng rượu. Hiện tại, dù đã được điều trị ổn định về sức khỏe, nhưng anh B. vẫn lúc nhớ lúc quên.

Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.
Bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do rượu điều trị tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.

Theo số liệu thống kê của Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng – Động kinh – Nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 20 trường hợp bệnh nhân đến khám và điều trị chứng loạn thần do rượu, bia. Chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2019, bệnh viện đã tiếp nhận 90 trường hợp bệnh nhân rối loạn tâm thần do rượu, bia. Đa số bệnh nhân vào đây đều đã uống rượu, bia vượt quá ngưỡng dung nạp của cơ thể, nhiều người nhập viện trong tình trạng rối loạn cảm giác, có ảo giác, hoang tưởng, hành vi bất thường, rối loạn nhận thức và lên cơn co giật. Đáng lo ngại, đa số bệnh nhân rối loạn tâm thần, hoang tưởng do rượu vào cấp cứu tại bệnh viện đều trong độ tuổi lao động, từ 35-50 tuổi và đang có xu hướng gia tăng bệnh nhân trên dưới 30 tuổi.

Không tự điều trị rối loạn tâm thần do rượu tại nhà

Bác sĩ Nguyễn Thị Lệ Chung, Khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng – Động kinh – Nghiện chất, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Khi những người nghiện rượu có các biểu hiện như: nói nhiều, chửi bới, đánh đập người thân, ngủ nhiều, sa sút do rượu, rối loạn trí nhớ và các triệu chứng mất ngôn ngữ, mất động tác... cần đưa đến các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để kiểm tra sức khỏe tâm thần, từ đó có biện pháp hỗ trợ điều trị kịp thời. Gia đình không nên tự điều trị cho bệnh nhân tại nhà, bởi với những trường hợp nghiện rượu nặng, khi ngưng đột ngột có thể dẫn đến trạng thái cai rượu, sảng rượu - một trong những trường hợp cấp cứu tâm thần, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn tới tử vong”.

Cũng theo bác sĩ Chung, thông thường bệnh nhân điều trị hết hội chứng cai sẽ được xuất viện về nhà, lúc đó đã trở lại trạng thái bình thường, có thể sinh hoạt, lao động như mọi người. Tuy nhiên cái khó hiện nay là việc mua bán và uống rượu của người dân không chịu sự quản lý của cơ quan nào. Hơn nữa, việc sử dụng rượu, bia còn được coi là một hình thức giao lưu, quan hệ làm ăn... nên rất dễ dẫn đến tình trạng gây nghiện. Do đó, việc điều trị nghiện rượu không khó, nhưng để bệnh nhân bỏ hoàn toàn được rượu là điều rất khó. Theo một thống kê sơ bộ, có đến trên 70% bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu thành công rồi lại tái nghiện. Thậm chí có những người bệnh nhân vào viện điều trị nhiều lần và mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp gây 200 loại bệnh tật, chấn thương.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.