Hút thuốc lá và nguy cơ mắc các bệnh về phổi
Ngoài chất gây nghiện nicotin, trong thuốc lá còn chứa hàng chục chất độc gây ra các bệnh về phổi đối với người hút thuốc lá như: viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thậm chí là ung thư phổi.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thuốc lá có khoảng 7.000 chất độc gây hại cho con người, đứng đầu là nicotin (chiếm 1-8% trong lá cây). Khi hút thuốc, nicotin và các chất phụ gia bị đốt cháy đi vào cơ thể gây 25 loại bệnh khác nhau, trong đó nguy cơ ung thư phổi tăng lên từ 10-20 lần. Số liệu của Bệnh viện Ung bướu Trung ương cho thấy, 96,8% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá. Ngoài ra, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.
Các chuyên gia y tế còn chỉ ra rằng thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ước tính, cứ 5 người nghiện thuốc lá sẽ có 1 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Bác sĩ Nguyễn Thị Bê, Trưởng Khoa Khám - Cấp cứu, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: “Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) - một tình trạng tích tụ chất nhầy và mủ trong phổi người hút thuốc lá dẫn đến ho, đau ngực và khó thở - có 2 dạng chính là viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra cả hai bệnh trên.
Nguy cơ mắc bệnh COPD đặc biệt cao ở những người hút thuốc từ khi còn trẻ, vì các chất độc trong khói thuốc lá làm suy giảm sự phát triển của phổi. Theo thời gian, các tác nhân của thuốc lá làm cho bệnh tiến triển tăng dần dẫn đến những cơn kịch phát cấp, người bệnh phải nhập viện cấp cứu, phải thở oxy, nhiều trường hợp phải thở máy. Bệnh kéo dài nhiều năm với những cơn kịch phát cấp sẽ khiến người bệnh trở nên tàn phế, không lao động được, không tự phục vụ được, cuộc sống không còn chất lượng và thường tử vong do suy hô hấp”.
Một trường hợp bị bệnh về phổi do hút thuốc lá điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh. |
Ngoài những bệnh lý nói trên, hút thuốc còn làm suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể, dẫn đến nguy cơ mắc rất nhiều bệnh khác. Theo bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh: Người hút thuốc lá còn có nguy cơ mắc bệnh đường tiêu hóa (viêm loét dạ dày), bệnh lý động mạch vành, tăng huyết áp. Vì thế, việc bỏ hút thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như khả năng tái phát bệnh ở người bệnh. Ngay cả với những người đã hút thuốc trong một thời gian dài thì việc bỏ hút thuốc lá vẫn mang lại lợi ích trong việc giảm nguy cơ mắc các bệnh nói trên”.
Các chuyên gia y tế nhận định, khi một người bỏ thuốc lá, không chỉ sức khỏe của họ được cải thiện mà gia đình và những người xung quanh cũng nhờ đó không bị mắc các hội chứng hút thuốc thụ động. Bởi trên thực tế, người không hút thuốc nhưng thường xuyên ở trong môi trường có khói thuốc sẽ hít vào lượng khói thuốc tương đương với việc hút 5 điếu thuốc/ngày. Trẻ em hít phải khói thuốc lá thường xuyên dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp nhiều hơn những trẻ khác. Nguy hiểm hơn, các thai phụ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng 22% nguy cơ trẻ sinh nhẹ cân.
Trước những ảnh hưởng tới sức khỏe và tổn thất về kinh tế do hút thuốc lá gây ra, Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019 đã được Tổ chức Y tế Thế giới triển khai với chủ đề “Thuốc lá và các bệnh về phổi” nhằm thông tin tới cộng đồng hậu quả của việc sử dụng thuốc lá với sức khỏe con người, đặc biệt là mối liên hệ giữa thuốc lá và các bệnh lý về phổi. Tại lễ mít tinh Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã kêu gọi người dân từ bỏ thuốc lá vì sức khỏe cộng đồng. Ngừng hút thuốc sớm là phương pháp hiệu quả nhất nhằm ngăn ngừa và làm chậm sự phát triển của các bệnh tật do hút thuốc gây ra.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: việc “cai” thuốc lá đối với những người hút thuốc lá lâu năm cần được thực hiện dần dần chứ không được dừng đột ngột. Vì với họ, hút thuốc lá đang là một thói quen, nếu ngưng đột ngột sẽ gây ra các rối loạn chuyển hóa trong máu. Do đó, nên “cai” bằng cách giảm dần số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày cho đến khi có thể bỏ hẳn. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc