Tập trung phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Trước nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp của bệnh sốt xuất huyết (SXH), các địa phương trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Tuyên truyền nâng cao ý thức phòng bệnh cho người dân
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện ghi nhận 344 bệnh nhân mắc bệnh SXH ở 7/7 xã, số bệnh nhân SXH nhiều tập trung ở các xã Tân Hòa, Ea Bar, Ea Nuôl, Ea Huar với 329 ca mắc. Trên địa bàn đã xuất hiện 5 ổ dịch tại các thôn 9, 10 (xã Tân Hòa), thôn 10 (xã Ea Bar) và thôn 1, buôn Nrếch A (xã Ea Huar).
Xã Tân Hòa là địa phương có số bệnh nhân mắc SXH nhiều nhất huyện. Từ đầu năm đến nay, toàn xã đã ghi nhận 117 ca SXH trong khi vào cùng kỳ năm 2018 xã không có trường hợp nào mắc bệnh. Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết, trước tình hình dịch SXH có dấu hiệu bùng phát mạnh, xã đã thành lập Đội xung kích phòng chống bệnh SXH tại 16/16 thôn, đồng thời huy động các ban, ngành, đoàn thể của xã cùng tham gia chống dịch. Xã đã cung cấp tài liệu hướng dẫn công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho các thôn để tuyên truyền đến từng hộ dân và chỉ đạo Đài Truyền thanh xã duy trì đều đặn công tác tuyên truyền về phòng chống bệnh SXH.
Chị Phan Thị Tuyết, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Hòa cho hay, trên địa bàn xã có 2 ổ dịch SXH ở thôn 9 và 10. Ngay khi xuất hiện những ca SXH đầu tiên, Trạm Y tế xã đã báo cho Trung tâm Y tế huyện để tiến hành phun thuốc diệt muỗi tại các thôn trên địa bàn. Đến nay, 16 thôn của xã đã được phun thuốc 2 lần, riêng thôn 9 và 10 đã phun 4 lần. Ngoài ra, cán bộ Trạm Y tế xã và cộng tác viên y tế các thôn còn tăng cường các hoạt động tuyên truyền tại cơ sở, nắm chắc tình hình nhằm chủ động ứng phó với bệnh.
Lực lượng chức năng phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn). Ảnh: K.Lê |
Từ tháng 3-2019 đến nay, xã Ea Bar cũng ghi nhận 72 ca SXH. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Bar cho biết, để chống lại dịch SXH, ngoài kiện toàn lại Tổ xung kích bảo vệ môi trường ở các thôn và cho phun thuốc diệt muỗi thì đơn vị còn tiến hành lồng ghép tuyên truyền trực tiếp cho người dân trong những cuộc họp thôn và cử cán bộ đến tận nhà hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng, đặc biệt là cùng họ dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi ở…
Để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan trên diện rộng, huyện Buôn Đôn đã chủ động triển khai đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với từng địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Nhờ đó, ý thức của người dân trong phòng chống dịch bệnh cũng tăng lên rõ rệt.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn cho biết, ngay khi dịch SXH xảy ra trên địa bàn, ngành Y tế huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn huyện triển khai quyết liệt công tác phòng, chống, giám sát, đánh giá tình hình, ứng phó kịp thời khi dịch có nguy cơ lan rộng. Đồng thời tăng cường công tác giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh đóng trên địa bàn nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dịch và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và người dân xử lý phun thuốc, vệ sinh môi trường.
Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã tiến hành 50 lượt điều tra muỗi, bọ gậy tại khu vực có bệnh nhân và tham mưu UBND các xã thành lập 99 tổ xung kích diệt bọ gậy; thực hiện phun hóa chất tại xã Tân Hòa và xã Ea Bar; phát 96 lượt nội dung về phòng chống SXH trên hệ thống loa phát thanh của các xã; tuyên truyền tại nhà cộng đồng, hội trường thôn 70 lần với hơn 900 người dân tham dự; tuyên truyền trực tiếp và phát tờ rơi đến 10.628 hộ gia đình trên địa bàn huyện… Đối với những bệnh nhân mắc bệnh SXH trở về địa phương, Trung tâm Y tế huyện tiến hành khoanh vùng phun hóa chất diệt muỗi tại nơi cư trú, đồng thời theo dõi, giám sát bệnh nhân trong vòng 14 ngày tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng.
Triển khai các biện pháp dập dịch
Tại huyện Krông Búk, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 273 trường hợp mắc SXH, tăng 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Số trường hợp mắc bệnh được ghi nhận tại 7/7 xã, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Pơng Drang (217 ca) và Cư Né (26 ca). Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu trong độ tuổi lao động.
Ông Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết ổ dịch SXH đầu tiên được phát hiện tại thôn Tân Lập 3 (xã Pơng Drang) vào tháng 2-2019 với 2 trường hợp mắc. Sau khi tổ chức dập dịch thì bệnh SXH lắng xuống, tuy nhiên đến tháng 5 - 2019 số ca mắc bệnh gia tăng đột biến. Đến nay, trung bình mỗi ngày toàn huyện ghi nhận khoảng 20 trường hợp mắc SXH. Nguyên nhân số trường hợp mắc bệnh SXH trên địa bàn tăng nhanh là do thời tiết diễn biến thất thường, lúc mưa ẩm, lúc nắng nóng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chủ quan trong việc phòng, chống bệnh, công tác dọn vệ sinh môi trường chưa được chú trọng đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sản, ẩn nấp.
Cán bộ Trạm Y tế xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (bên phải) hướng dẫn người dân cách vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng. Ảnh: N.Quỳnh |
Để ngăn chặn dịch bệnh và hạn chế thấp nhất số người mắc SXH, ngoài chuẩn bị máy móc, vật tư, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống SXH tại các xã, Trung tâm Y tế huyện còn tiến hành khoanh vùng, xử lý 11 ổ dịch bằng phun hóa chất, 9 ổ dịch đã vệ sinh môi trường; cung cấp hàng nghìn tài liệu hướng dẫn phòng, chống bệnh SXH đến người dân; tập huấn cho cán bộ trạm y tế xã về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; lập biểu đồ theo dõi diễn biến tình hình SXH để nắm bắt các ca bệnh và xử lý kịp thời....
Là địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao nhất huyện, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Pơng Drang đã cùng với đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, buôn trực tiếp đến từng gia đình hướng dẫn người dân xử lý các vật dụng có nước tù đọng để ngăn chặn sự sinh sản, phát triển của muỗi, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nơi ở, chủ động diệt trừ lăng quăng, thường xuyên phát quang bụi rậm, khi ngủ phải mắc màn... Tương tự, xã Cư Né cũng đã khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch như: thành lập Ban Chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; đội ngũ cộng tác viên y tế thường xuyên đến tận nhà dân để tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng bệnh; huy động các ban, ngành, đoàn thể của xã cùng tham gia chống dịch...
Để công tác phòng chống bệnh SXH đạt hiệu quả cao, Trung tâm Y tế huyện sẽ tăng cường vai trò hoạt động của đội xung kích diệt lăng quăng tại tất cả các thôn, buôn. Theo đó, yêu cầu thành viên đội xung kích định kỳ hằng tuần phải đến từng hộ gia đình cung cấp thông tin về bệnh SXH, hướng dẫn và trực tiếp tìm diệt lăng quăng xung quanh nhà người dân; tiến hành khoanh vùng phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực có chỉ số giám sát véc-tơ cao; theo dõi chặt chẽ tình hình SXH tại cơ sở, đặc biệt là những khu vực có nhiều ổ dịch như xã Pơng Drang, Cư Né...
Khả Lê – Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc