Triển vọng công nghệ số trị bệnh tự kỷ
Nơi ở thân thiện cho người tự kỷ
Do những người tự kỷ quá mẫn cảm với môi trường như âm thanh, ánh sáng và dễ bị choáng ngợp bởi những không gian ồn ào, bừa bộn hoặc đông đúc, nên việc hạn chế những điều kiện như vậy bằng công nghệ và thiết kế chỗ ở sẽ làm tăng đáng kể chất lượng sống cho nhóm người này. Mới đây, người ta đã thực hiện dự án nhà ở thân thiện cho người tự kỷ có tên Sweetwater Spectrum ở Sonoma, California (Mỹ) trị giá 6,8 triệu USD.
Dự án hoàn thành và khai trương năm 2013, gồm những ngôi nhà 4 phòng cho 16 thanh niên, kèm theo trung tâm giao tiếp, bể trị liệu và trang trại đô thị thu nhỏ, do các kiến trúc sư thuộc công ty Leddy Maytum Stacy Architects thiết kế, dựa trên nguyên tắc dùng cho nhóm người tự kỷ được Đại học bang Arizona đề xuất để giúp họ có cảm giác yên bình, giảm bệnh và học tập tốt hơn.
Ứng dụng điện thoại thông minh
Vài năm gần đây, các nhà phát triển công nghệ nhận thấy tiềm năng cho các giải pháp dựa trên điện thoại thông minh và các ứng dụng trị bệnh tự kỷ rất to lớn, thực sự mang lại kết quả tốt, tăng cường động lực học tập và cải thiện sự tập trung cho trẻ tự kỷ. Đại học Edinburgh và Hiệp hội Tự kỷ Quốc gia Anh (NAS) vừa cho ra đời bộ hướng dẫn hữu ích cho các bậc phụ huynh về sử dụng có trách nhiệm công nghệ cho nhóm trẻ tự kỷ. Hãng BridgingApps đã cho ra đời gần 100 ứng dụng để lựa chọn dùng cho trẻ tự kỷ.
Một trong những tính năng hữu ích nhất của các ứng dụng điện thoại thông minh là cung cấp môi trường được kiểm soát và tái tạo để dùng cho các tình huống xã hội, giúp trẻ tự kỷ phát triển nhận thức xã hội và duy trì môi trường an toàn. Ví dụ, ứng dụng của TouchAutism phát minh cung cấp một nền tảng giáo dục cho phụ huynh, nhà trường và người chăm sóc để tạo ra những câu chuyện xã hội cá nhân và lịch trình trực quan giúp họ giao tiếp với con cái và chuẩn bị các tình huống xã hội cho trẻ.
Nhiều ứng dụng công nghệ số được phát triển để điều trị cho người mắc bệnh tự kỷ. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, các ứng dụng còn đóng vai trò liên lạc như ứng dụng Brain in Hand cung cấp hỗ trợ kịp thời, được cá nhân hóa cho những người mắc chứng tự kỷ ghi nhớ các hoạt động, giảm lo lắng và cảm thấy được hỗ trợ. Hay ứng dụng AngelSense, một giải pháp giám sát giọng nói và GPS được thiết kế để giúp các gia đình theo dõi trẻ có nhu cầu đặc biệt, hoặc ứng dụng Birdhouse giúp người chăm sóc theo dõi các hành vi, sức khỏe và các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của trẻ tự kỷ.
Tương tác thực tế ảo
Google Glass (thiết bị công nghệ đeo được với màn hình quang học gắn trên đầu) được ví như một la bàn xã hội, một tương tác thực tế ảo rất thiết thực. Kết quả chỉ sau một tương tác ngắn với Empowered Brain, một công cụ tương tác thực tế ảo (AR) dùng cho mục đích do Google Glass cung cấp, các triệu chứng rối loạn thiếu tập trung/hiếu động thái quá (ADHD) ở bệnh nhân tự kỷ đã được cải thiện đáng kể. Kết quả thử nghiệm nghiên cứu lâm sàng vừa được công bố trên tạp chí JMIR Mental Health, tuy đang ở giai đoạn đầu, nhưng nghiên cứu cho thấy AR có tác động tích cực đến cuộc sống của những người tự kỷ. Ngoài Google Glass, còn có các công cụ AR khác như Face2Face của Empowered Brain hay Emotion Charades của Affectiva cũng có tác dụng tốt trong việc cải thiện ADHD cho trẻ mắc bệnh.
Ứng dụng trị bệnh tự kỷ AngelSense. (Ảnh minh họa) |
Ứng dụng Big data, AI và di truyền học trong nghiên cứu tự kỷ
Cùng với các ứng dụng nói trên, trong tương lai ứng dụng Big data (thuật ngữ nói về việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được), AI (trí tuệ nhân tạo) kết hợp với di truyền học công nghệ số được xem là trợ thủ đắc lực cho ngành y trong việc nghiên cứu tự kỷ. Chẳng hạn, ghi lại lời nói, sử dụng phần mềm phiên mã và tạo ra các điểm dữ liệu khổng lồ, thuật toán trí tuệ nhân tạo để tìm ra các mẫu và tính năng trong bộ dữ liệu. Mới đây, ông Robert Schultz, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tự kỷ tại Bệnh viện nhi đồng Philadelphia (Mỹ) đã trình bày nghiên cứu sử dụng các cảm biến để ghi lại chuyển động của khuôn mặt, bao gồm cả tư thế đầu và chuyển động mắt, trong cuộc trò chuyện dài ba phút. Công cụ này tuyên bố là chính xác khoảng 89% trong việc dự đoán bệnh tự kỷ.
Kết hợp giữa Big data và phần mềm chẩn đoán tự kỷ, công ty RightEye ở Maryland (Mỹ) đã phát triển một hệ thống và phần mềm theo dõi mắt dựa trên thuật toán đám mây giúp các bác sĩ xác định sớm giai đoạn đầu của bệnh tự kỷ ở nhóm trẻ từ 12 - 40 tháng tuổi. Bộ theo dõi mắt được gắn vào phía dưới màn hình chơi game lớn, đọc chuyển động mắt để phần mềm có thể diễn giải các phản ứng và cho ra đời một báo cáo điện tử ngay lập tức gửi đến cho bác sĩ, giúp bác sĩ và hỗ trợ phụ huynh điều trị, chăm sóc trẻ tự kỷ đạt hiệu quả tốt hơn.
Những nỗ lực chung trong di truyền học và Big data cho nghiên cứu tự kỷ cũng đang trên đà phát triển. Tháng 12-2014, hãng Autism Speaks công bố sẽ tham gia với Google để hình thành một chương trình nghiên cứu di truyền đột phá có tên MSSNG để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh tự kỷ. MSSNG tạo ra một cơ sở dữ liệu gồm 10.000 bộ gen (toàn bộ mã di truyền) của những người mắc chứng tự kỷ. Google cho biết họ sẽ cung cấp các tài nguyên kỹ thuật để lưu trữ thông tin trong dữ liệu ảo đám mây, một giao diện độc đáo nơi các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới có thể truy cập, phân tích và sử dụng dữ liệu một cách miễn phí.
Nguyễn Duy (Dịch từ MDJ- 6/2019)
Ý kiến bạn đọc