Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát: Ngành Y tế "nóng", nhiều người dân "lạnh"

17:28, 31/08/2019

Trong khi ngành y tế đang dốc sức để đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn, không ít người dân vẫn thờ ơ với công tác phòng bệnh.

Số liệu thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, tính từ đầu năm đến ngày 30-8, toàn tỉnh ghi nhận 14.127 ca bệnh SXH, tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Hiện bệnh đã xuất hiện tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và 180/184 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, số ca bệnh nhập viện trong tình trạng nặng, có dấu hiệu cảnh báo cũng ở mức báo động. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong số trên 3.500 bệnh nhân nhập viện điều trị SXH (tính từ đầu năm đến giữa tháng 8) đã có gần 24% bệnh nhân ở tình trạng có dấu hiệu cảnh báo và 5% bệnh nhân ở tình trạng nặng.

Thành viên Đoàn kiểm tra
Thành viên Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh SXH của Bộ Y tế kiểm tra thực tế hoạt động phòng chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột. 

Để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngay từ đầu mùa mưa, ngành Y tế đã tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh SXH cho người dân; điều tra, giám sát, xử lý ổ dịch, giám sát dịch tễ chặt chẽ; phun hóa chất chủ động và diện rộng tại những nơi có số mắc cao và nguy cơ bùng phát thành dịch.  Đồng thời UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã trích hơn 4 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống dịch. Hiện ngành y tế đang rất “nóng” khi dốc sức để khống chế dịch bệnh, tiếp tục tổ chức phun thuốc diện rộng, tăng cường nhân lực trong chẩn đoán và điều trị khi số mắc SXH nhập viện tăng cao.

Tuy nhiên, hiệu quả đạt được không như mong muốn. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sở dĩ dịch bệnh SXH bùng phát và lan rộng là do năm nay rơi vào mùa chu kỳ của bệnh quay trở lại; đồng thời, mùa mưa đến sớm, lượng mưa không đều đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh khiến cho số ca bệnh ngày càng tăng cao. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa là nhiều người dân rất thờ ơ với việc phòng bệnh, sự phối hợp của UBND xã, phường cũng như các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống dịch bệnh còn hời hợt.

Kết quả kiểm tra thực tế của Đoàn kiểm tra công tác phòng chống SXH của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh làm Trưởng đoàn tại huyện Cư M’gar – một trong những địa bàn trọng điểm về SXH của tỉnh – cho thấy, các hộ dân còn có nhiều lốp xe cũ không sử dụng để ngoài vườn và các dụng cụ phế thải chứa nước đọng không được xử lý trở thành nơi “lý tưởng” để muỗi sinh sôi; nhiều người dân tuy nắm chắc kiến thức về phòng chống SXH nhưng chưa chuyển từ nhận thức sang hành động. Còn tại huyện Krông Búk, kết quả kiểm tra cho thấy nhiều vấn đề đáng lo ngại, chỉ số về muỗi và bọ gậy vẫn còn ở trạng thái báo động; tại một số hộ gia đình cũng tìm thấy lăng quăng trong lốp xe cũ và các dụng cụ phế phẩm chứa nước đọng không được xử lý. Hay tại TP. Buôn Ma Thuột -  nơi có số ca mắc chiếm trên 1/3 tổng số ca bệnh của toàn tỉnh, đoàn kiểm tra cũng phát hiện các ổ lăng quăng ngay trong khuôn viên nhà dân, thậm chí có cả nhà của cán bộ y tế…

Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Rõ ràng, trong khi dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khó lường, số ca bệnh liên tục gia tăng, nếu chỉ có ngành Y tế “căng mình” chống dịch thôi chưa đủ, mà còn phải có sự phối hợp tổng lực từ nhiều phía. Trong buổi làm việc mới đây giữa Đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh SXH của Bộ Y tế với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người của tỉnh, Thạc sĩ Lê Thanh Hiền, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Trưởng Đoàn kiểm tra cho rằng, để đẩy lùi được dịch bệnh SXH, tỉnh phải xem chiến dịch phòng chống dịch bệnh này là nhiệm vụ của toàn xã hội, phải huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chủ động tích cực từ phía người dân.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, SXH là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, nhưng lại hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc cộng đồng chung tay vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi.

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.