Multimedia Đọc Báo in

Hậu quả khôn lường khi tự ý đắp các loại lá điều trị vết thương

08:56, 25/08/2019

Khi bị thương, nhiều người dân vẫn chủ quan không đến các cơ sở y tế điều trị mà ở nhà tự ý dùng các loại lá đắp trị thương. Việc làm này hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường, thậm chí có thể gây tử vong.

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phải phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn cánh tay phải của bệnh nhân Y Lương Siu (SN 2002, trú thôn 8, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) do bị hoại tử. Trước đó, anh Y Lương Siu bị rắn cắn vào ngón trỏ tay phải. Do chủ quan, anh không nhập viện mà về nhà dùng lá đắp trị thương. Tuy nhiên, sau một thời gian, vết thương không khỏi mà anh có biểu hiện sốt, nhiễm trùng, hoại tử cánh tay, bốc mùi hôi thối và phải nhập viện phẫu thuật tháo khớp vai, bỏ chi hoại tử.

Còn chị Nguyễn Bích Mai (ở huyện Ea Kar) vô tình dẫm phải cây đinh gỉ khi làm rẫy. Nghĩ đơn giản chỉ là vết thương nhỏ vài hôm sẽ tự lành, chị chủ quan không tới cơ sở y tế mà nghe theo người thân trong nhà dùng lá bắp sú luộc đắp lên vết thương để hút mủ và trị thương. Tuy nhiên, vết thương không những không khỏi mà ngày càng lan rộng, chị bị sốt li bì. Khi chị đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán áp-xe, sốc nhiễm khuẩn, hoại tử và phải mổ cắt lọc tổ chức hoại tử tại vết thương này.

Tương tự, khi con gái bị bỏng ở vùng cẳng chân, anh Nguyễn Huy Hoàng (ở huyện Krông Bông) cũng chủ quan chỉ đắp lá trị bỏng cho con. Sau hơn một tuần đắp lá, vết thương bắt đầu có hiện tượng chảy dịch mủ, bốc mùi hôi thối, da bẩn cùng lá cây kết dính vào vết bỏng khiến bé vận động rất  khó khăn. “Khi vào bệnh viện, các bác sĩ cho biết con gái tôi bị bỏng ở mức độ 2. Nếu bé đến bệnh viện xử lý vết thương ngay lúc bỏng thì sẽ phục hồi nhanh chóng. Song, do không được điều trị đúng cách, hiện bé bị nhiễm trùng nặng, nguy cơ nhiễm trùng huyết, vùng khớp gối đã bị cứng, đi lại khó khăn. Tôi hối hận lắm bởi vì sự thiếu hiểu biết của bản thân mà khiến con phải chịu nhiều đau đớn”, anh Hoàng bày tỏ.

Một bệnh nhân bị hoại tử chi do đắp lá trị thương.
Một bệnh nhân bị hoại tử chi do đắp lá trị thương.

Theo bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa Lão Khoa (Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh) cho biết, nhiều người dân thường chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian bằng cách đắp các loại lá hoặc áp dụng bài thuốc gia truyền của các thầy lang để điều trị vết thương. Tuy nhiên, họ lại không biết phối hợp các loại thuốc như thế nào cho tác dụng hỗ trợ nhau, liều lượng thuốc dùng thế nào cho phù hợp với cân nặng, trọng lượng cũng như mức độ nặng nhẹ của vết thương khiến gây ra nhiều biến chứng và hậu quả khó lường.

Do điều trị không đúng nên vết thương viêm nhiễm lan rộng hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian qua, đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bị rắn lục, rắn hổ cắn nhưng trị thương ở nhà, đến khi tới bệnh viện thì đã trong tình trạng nặng, bị xuất huyết, hoại tử… nên buộc phải chuyển đi các tuyến trên để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Vì vậy, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, khi bị thương không nên tự ý bó thuốc lá, bó bằng các loại cây, cao dán... mà nên đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và xử lý kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.