Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Nỗ lực kéo giảm số ca bệnh sốt xuất huyết

09:00, 19/08/2019

Huyện Cư M’gar đang vào mùa cao điểm của dịch sốt xuất huyết. Chưa bao giờ số ca bệnh trên địa bàn lại tăng lên nhiều và nhanh như hiện tại.

Theo Phòng Y tế huyện Cư M’gar, từ đầu năm đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết lên đến 933 ca, đây là số tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Riêng trong tháng 7 vừa qua, có đến 436 ca bệnh và đã có một trường hợp tử vong tại thị trấn Ea Pốk. Hiện tại tất cả các xã, thị trấn đều có trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó những địa phương có số ca mắc cao là thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk, các xã Ea Kpam, Quảng Hiệp, Quảng Tiến.

Toàn huyện đã có 25 ổ dịch xuất hiện tại 9/17 xã, thị trấn, trong đó 5 ổ dịch đã kết thúc và 20 ổ dịch đang lưu hành. Theo ông Phạm Văn Thanh, Trưởng Phòng Y tế huyện, ban đầu trong tháng 6, số ca bệnh xuất huyết tăng cao lên dần theo mỗi tuần. Sang tháng 7 là cao điểm dịch sốt và còn đang tiếp diễn theo chiều hướng gia tăng lên mỗi ngày.

Tại khoa Nội Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M'gar, bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép giường vì quá tải.
Tại khoa Nội Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M'gar, bệnh nhân sốt xuất huyết phải nằm ghép giường vì quá tải.

Số người mắc sốt xuất huyết gia tăng đột biến khiến việc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar rơi vào tình trạng quá tải. Tại khoa Nhi, các phòng đều chật kín bệnh nhân. Dọc hành lang, nhiều giường bệnh được kê thêm cho những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nằm tạm.

Bác sĩ Trần Thị Thanh, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M’gar cho hay, khoa Nhi có 50 giường bệnh, nhưng  hiện tại đang phải điều trị cho 120 bệnh nhân nhập viện.  Số ca mắc và nhập viện điều trị đang tăng cao, cơ sở vật chất không đáp ứng đủ cho bệnh nhân nên phải kê giường ra các lối đi và cả khu vực cầu thang. Theo bác sĩ Thanh, trung bình mỗi ngày, khoa Nhi tiếp nhận hơn 30 ca mắc sốt xuất huyết.

Tương tự, tại khoa Nội, bệnh nhân không có đủ giường để nằm, hai bệnh nhân phải ghép chung nhau một giường. Tình trạng kê tạm giường ra dọc hành lang, cầu thang để nằm cũng đang xảy ra. Bệnh nhân nhập viện ồ ạt, trong khi đó, lực lượng cán bộ y tế có hạn đã khiến cho khoa luôn trong tình trạng quá tải.

Các đoàn thể ở địa phương cùng với người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy, nơi ẩn náu của muỗi.
Các đoàn thể ở địa phương cùng với người dân tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy, nơi ẩn náu của muỗi.

Trước tình hình dịch bệnh đang bước vào mùa cao điểm và tiên đoán sẽ còn diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng huyện Cư M’gar đang đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống dịch và đề ra các biện pháp để hạn chế thấp nhất số ca mắc mới do sốt xuất huyết. Theo Phòng Y tế huyện, biện pháp tối ưu nhất hiện nay là tăng cường chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) trên phạm vi toàn huyện. Cùng với đó, cử cán bộ y tế xuống các thôn, buôn, địa bàn có số ca bệnh cao, có ổ dịch để xử lý dứt điểm các ổ dịch, chủ động phun hóa chất ở những nơi có nguy cơ cao. Đặc biệt, chú trọng công tác truyền thông để cho người dân biết cách tự bảo vệ mình như xử lý vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống, không để tồn tại những vị trí nước đọng, nhất là nước mưa là nơi trú ngụ cho muỗi sinh sản. Tính đến nay, huyện đã xử lý 25/25 ổ dịch chủ yếu bằng cách làm tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, đồng thời phun hóa chất chủ động ở những vùng có số ca mắc bệnh cao như thị trấn Quảng Phú, xã Quảng Tiến... 

Theo phân tích của Phòng Y tế huyện, mưa nhiều trong thời gian vừa qua là điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sản làm lây lan nhanh chóng bệnh trong cộng đồng dân cư, dịch bệnh sốt xuất huyết vì thế cũng phát triển mạnh. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn vẫn còn thờ ơ, chủ quan, chưa chú ý tới việc phòng bệnh sốt xuất huyết.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.