Lo ngại diễn biến phức tạp của bệnh sốt rét
Bên cạnh sốt xuất huyết, sởi…, bệnh sốt rét cũng đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, từ đầu năm 2019 đến nay toàn tỉnh đã có 445 trường hợp mắc sốt rét, trong đó có 2 ca sốt rét ác tính.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng (Sở Y tế) cho biết: Tất cả các huyện, thị xã của tỉnh đều có bệnh nhân mắc sốt rét. Trong đó, nhiều nhất là huyện Ea Kar với 174 trường hợp mắc bệnh, Krông Năng 109 trường hợp, M’Đrắk 30 trường hợp, Ea H’leo 16 trường hợp, Buôn Đôn 14 trường hợp… và rải rác ở các huyện khác. Đỉnh điểm có giai đoạn chỉ trong một tuần cả tỉnh phát hiện 10 trường hợp bệnh nhân mắc sốt rét. Có những trường hợp nhập viện khi bệnh đã trở nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Điển hình như đầu tháng 7-2019, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã phải tiến hành lọc máu liên tục cho bệnh nhân Lý Seo Hòa (SN 1993, trú xã Cư Pui, huyện Krông Bông) mắc sốt rét ác tính. Trước đó, bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (huyện Ea Kar) trong tình trạng sốt cao, rét run, ra mồ hôi, đau đầu, lơ mơ, tiếp xúc kém. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc sốt rét ác tính. Bệnh nhân Lý Seo Hòa cho hay, trước khi phát hiện mắc sốt rét, anh thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy nên bị muỗi cắn; do chủ quan nên khi sốt anh không nhập viện điều trị liền mà ở nhà đến khi bệnh trở nặng mới được đưa vào viện.
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tiến hành lấy lam xét nghiệm sốt rét. |
Bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng
|
Theo bác sĩ Hoàng Hải Phúc, thông thường mỗi năm sẽ có 2 đợt trọng điểm bệnh sốt rét gia tăng (đợt 1 vào khoảng tháng 4 - 6 và đợt 2 vào tháng 9 - 11). Đáng lo ngại hiện nay là sự quay trở lại của véc-tơ truyền bệnh.
Thời gian qua, Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng đã tiến hành điều tra tại 4 huyện và phát hiện ra có véc-tơ chính gây truyền bệnh sốt rét tại hai huyện Ea Kar và Krông Bông mà lâu nay khu vực này không hề có. Bên cạnh đó còn xuất hiện tình trạng bệnh nhân tái phát, tái nhiễm bệnh nhiều lần.
Trong số các trường hợp mắc sốt rét, có 49 trường hợp bệnh nhân tái phát 2 lần, 5 bệnh nhân tái phát 3 lần và đặc biệt có 1 bệnh nhân tái phát 4 lần chỉ trong 6 tháng… Việc tái nhiễm lại bệnh cho thấy có thể do ký sinh trùng kháng thuốc, muỗi kháng hóa chất. Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Quy Nhơn đã ghi nhận có bằng chứng của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc tại tỉnh Đắk Lắk.
Một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân mắc sốt rét gia tăng là việc người dân hay đi rừng, ngủ rẫy thiếu ý thức phòng hộ cá nhân. Mặc dù ngành y tế đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân vào rừng phải mang màn tẩm hóa chất, kem xua muỗi do ngành y tế cấp nhưng không ít người vẫn chủ quan. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng khó quản lý ở những vùng giáp ranh giữa Đắk Lắk với các tỉnh như: Phú Yên, Gia Lai...
Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong phòng chống sốt rét ở các địa phương cũng chưa chặt chẽ, hiệu quả. Chẳng hạn hồi tháng 4 vừa qua, Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng triển khai tẩm màn, phun hóa chất cho 7 huyện trọng điểm gồm Ea Kar, M’Đrắk, Ea H’leo, Ea Súp, Buôn Đôn, Cư M'gar, Krông Năng. Tuy nhiên, riêng tại điểm Ea Kar người dân không hưởng ứng, tỷ lệ tẩm màn chỉ đạt khoảng 60%. Nguyên nhân vì người dân không nhận được thông báo từ chính quyền địa phương để tham gia.
Dự báo trong thời gian tới, các ca mắc sốt rét sẽ tiếp tục tăng mạnh, đặc biệt là ở các vùng lâu nay không lưu hành sốt rét. Trung tâm Phòng, chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng đang triển khai giám sát tỷ lệ sốt rét và quản lý tốt bệnh nhân mắc sốt rét; đẩy mạnh công tác phòng chống và trong tháng 8, Trung tâm cấp gần 400 lít hóa chất cho 7 huyện trọng điểm để tiến hành tẩm màn.
Mai Lê
Ý kiến bạn đọc