Để giảm thiểu nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh ở trẻ
Tim bẩm sinh là dị tật thường gặp và nguy hiểm nhất, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại dị tật bẩm sinh ở trẻ em.
Mặc dù nguyên nhân của dị tật này chưa được xác định nhưng theo các bác sĩ chuyên khoa, di truyền, môi trường và lối sống là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tim bẩm sinh ở trẻ; do đó phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, sinh đẻ cần lưu ý những yếu tố này nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc tim bẩm sinh cho con.
Hệ thống tim và các mạch máu bắt đầu hình thành trong tháng đầu tiên của thai kỳ. Vì một lý do nào đó tác động vào thai nhi giai đoạn này sẽ làm cho trái tim trẻ phát triển không bình thường, gây nên những dị tật ở tim. Y học gọi đây là dị tật tim bẩm sinh. Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc dị tật tim bẩm sinh chiếm khoảng 1%, nghĩa là cứ 100 trẻ thì có một trẻ mắc dị tật này.
Tham gia chương trình khám sàng lọc tim bẩm sinh miễn phí cho trẻ em tỉnh Đắk Lắk vừa qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch (Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tỷ lệ mắc tim bẩm sinh ở Đắk Lắk cao gấp 5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh còn thiếu kiến thức về vấn đề này, không nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh để đưa trẻ đi khám. Đây là thực trạng nguy hiểm cần được lưu tâm.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Định khám, tư vấn tại Đắk Lắk về nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh ở trẻ. |
Trên thực tế, có đến 75% các dị tật tim bẩm sinh thường gặp như thông liên thất, thông liên nhĩ, ống động mạch, tứ chứng fallot… không có những biểu hiện rõ rệt nên cha mẹ dễ bỏ qua, nhiều trẻ chỉ được phát hiện khi vô tình đi khám một căn bệnh khác. Điển hình như trường hợp cháu Đào Công Hoàn (13 tuổi, ở xã Xuân Phú, huyện Ea Kar). Cháu Hoàn được phát hiện mắc dị tật tim bẩm sinh trong một lần bị ngộ độc thực phẩm phải đi bệnh viện cấp cứu. Mẹ cháu cho biết nhiều năm nay, khi thấy con mình bé nhỏ, xanh xao hơn các bạn cùng trang lứa, chị chỉ nghĩ rằng vì con kén ăn nên không đủ chất dinh dưỡng. Sau khi được các bác sĩ chuyên khoa khám, cháu Hoàn đã được chỉ định phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Hiện y học chưa biết rõ nguyên nhân gây nên dị tật tim bẩm sinh nhưng đã xác định được các yếu tố nguy cơ cao gây ra tình trạng này, ngoài yếu tố di truyền thì môi trường và thói quen có hại của người mẹ sẽ làm tăng nguy cơ dị tật tim ở trẻ như: mẹ bị nhiễm trùng, nhiễm vi rút, siêu vi trùng, rubella trong thời gian đầu thai kỳ hoặc mẹ bị nhiễm phóng xạ, nhiễm kim loại nặng và một số chất độc, mẹ uống rượu, hút thuốc lá…
Hiện có nhiều phương pháp điều trị tim bẩm sinh, gồm: điều trị nội khoa, cấy thiết bị vào tim, phẫu thuật hở, ghép tim. Tùy từng trường hợp nặng nhẹ, bệnh nhân sẽ được chỉ định áp dụng một trong các phương pháp điều trị trên. Đối với phương pháp phẫu thuật hở (phương pháp áp dụng cho những trường hợp nặng phổ biến nhất hiện nay), tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn chiếm khoảng 70 - 75%, còn khoảng 20 - 25% trường hợp bệnh lý quá phức tạp thì việc phẫu thuật chỉ giúp tim hoạt động tốt hơn, đứa trẻ có thể phát triển, lớn lên được chứ không thể đưa trái tim về bình thường.
Sau phẫu thuật, vấn đề phụ huynh cần lưu ý là đưa trẻ tái khám đều đặn, đúng lịch. “Sai lầm của một số bậc cha mẹ là cho rằng chỉ cần phẫu thuật là chữa khỏi tim bẩm sinh. Thực tế có nhiều trường hợp trẻ phải phẫu thuật lại, phải được bác sĩ chuyên khoa theo dõi, tư vấn cho đến khi trưởng thành, thậm chí cả cuộc đời”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Định nhấn mạnh.
Để giảm nguy cơ mắc dị tật tim bẩm sinh, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo các cặp vợ chồng nên kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân để loại trừ yếu tố di truyền về bệnh tim. Trong quá trình mang thai, người mẹ cần tránh những tác động có hại đến thai nhi trong 3 tháng đầu như tránh nhiễm trùng, tiếp xúc với những chất độc hại, tránh căng thẳng, stress, tránh khói thuốc lá, không uống rượu, bia… Vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ cần đi siêu âm tim thai để phát hiện sớm những dị tật ở tim. Nếu dị tật quá nặng nề, khả năng cứu sống trẻ khi sinh ra thấp thì nên chấm dứt thai kỳ sớm. Còn nếu dị tật có thể chữa được thì cần có sự thăm khám thường xuyên của cả bác sĩ khoa sản và bác sĩ chuyên về tim nhi để có kế hoạch điều trị, can thiệp sớm, hạn chế tối đa những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sau này.
Các triệu chứng thường gặp của tim bẩm sinh gồm: trẻ hay quấy khóc, bỏ bú, trẻ không lớn, không tăng cân, trẻ bị tím các đầu ngón tay, ngón chân, tím ở môi, niêm mạc mắt. Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần cũng là triệu chứng gợi ý của tim bẩm sinh. Nếu những triệu chứng này không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, sức khỏe trẻ sẽ càng ngày càng yếu, dẫn đến tử vong. |
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc