Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh bạch hầu

10:19, 17/09/2019

Trong khi dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp thì mới đây sự xuất hiện của ổ dịch bệnh bạch hầu tại xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar đã đánh dấu sự quay trở lại của dịch bệnh này sau khoảng 16 năm “vắng bóng”.

Theo báo cáo của ngành Y tế, toàn tỉnh đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu trong cùng một gia đình tại buôn H’ring, xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đồng thời 31 trường hợp sau khi tiếp xúc với người bệnh xuất hiện các triệu chứng của bệnh cũng được cách ly theo dõi, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Cư M’gar và BVĐK vùng Tây Nguyên.

Để ứng phó với dịch bệnh bạch hầu, ngành Y tế đã cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng có người mắc bệnh để bao vây, khống chế bệnh; lập danh sách các đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân, những người xung quanh nhà người bệnh để theo dõi, điều trị kháng sinh dự phòng và theo dõi nhiệt độ trong vòng 7 ngày; cấp 20.000 viên thuốc Erythoromycin để dự phòng cho người dân trong vùng dịch; điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng, tiêm chưa đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng để lập kế hoạch tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh bạch hầu; đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh bạch hầu tại cộng đồng; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trên địa bàn toàn tỉnh về hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, giám sát, xử lý dịch bệnh bạch hầu…

Đồng thời, Sở Y tế cũng đã báo cáo với UBND tỉnh và làm việc với Sở Tài chính để ban hành kế hoạch khẩn cấp phòng chống bệnh bạch hầu trên toàn tỉnh; tiếp tục đảm bảo việc cung ứng thuốc dự phòng cho toàn huyện Cư M’gar; tăng cường 10 cán bộ y tế của Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện Cư M’gar trong công tác phòng chống dịch bệnh này.

Cục trưởng  Cục Y tế  dự phòng  (Bộ Y tế)  Trần Đắc Phu thăm  bệnh nhân điều trị  tại BVĐK vùng Tây Nguyên.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu thăm bệnh nhân điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên.

Trước sự quay trở lại của bệnh bạch hầu, Sở Y tế đã có văn bản chỉ đạo các trung tâm y tế tăng cường giám sát chủ động phòng chống bệnh trong toàn tỉnh, phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, mang mầm bệnh để kịp thời tổ chức cách ly, điều trị và xử lý triệt để; đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng phục vụ cho công tác phòng chống bệnh. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở điều trị bệnh nhân trên địa bàn tỉnh chuẩn bị cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, sẵn sàng khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người bệnh bạch hầu, hoặc nghi ngờ bạch hầu để chủ động trong công tác điều trị, phòng chống lây chéo trong bệnh viện, hạn chế di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.

Nhờ sự vào cuộc, ứng phó nhanh chóng và quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như ngành Y tế, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện thêm ổ dịch và trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu nào khác. Tuy nhiên, ngay cả khi chưa có thêm ca bệnh mới vẫn phải đề cao cảnh giác, bởi theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm đứng đầu nhóm B. Đây là bệnh rất dễ lây và lây trực tiếp (hay còn gọi là lây gần) với tỷ lệ tử vong chiếm khoảng 5 - 10%. Mầm bệnh có trong tự nhiên và ở hai trạng thái là người bệnh mang mầm bệnh và người lành mang mầm bệnh. Với những người không tiêm chủng sẽ dễ mắc bệnh mỗi khi cơ thể bị yếu.

Đối với các giải pháp khống chế sự lây lan của bệnh bạch hầu trên địa bàn trong thời gian tới, ngoài việc tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch khẩn cấp phòng chống bệnh bạch hầu, Sở Y tế cũng đã lên kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh uốn ván – bạch hầu cho người dân. Theo dự kiến trong tháng 10, ngành Y tế sẽ tổ chức đợt tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh uốn ván - bạch hầu cho người từ 7 đến 25 tuổi trên toàn tỉnh. Riêng tại khu vực xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar – nơi ghi nhận ổ dịch bạch hầu sẽ tổ chức tiêm sớm hơn và mở rộng đối tượng từ 7 đến 42 tuổi.

Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra khu điều trị cách ly bệnh bạch hầu của BVĐK huyện Cư M'gar.
Đoàn công tác của Sở Y tế kiểm tra khu điều trị cách ly bệnh bạch hầu của BVĐK huyện Cư M'gar.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Đáng lưu ý, vi khuẩn gây bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với đồ vật có dính dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ đến nặng. Dấu hiệu thường thấy là giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Ngoài ra, giả mạc có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dịch, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong do các biến chứng nặng. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể tác động lên các cơ quan chính của cơ thể gây viêm cơ tim, viêm thận, liệt tay, chân, mắt lé, thay đổi giọng nói…

Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, bệnh bạch hầu ít gặp trong những năm gần đây khiến người dân ít quan tâm. Song trên thực tế vi khuẩn này vẫn tồn tại và lưu hành. Do đó, tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi (Lịch tiêm chủng vắc xin DTP hoặc DPT-VGB-Hib có thành phần bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng gồm: mũi thứ nhất tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ hai 1 tháng; mũi thứ 4 tiêm nhắc khi trẻ 18 tháng tuổi).

Trong buổi làm việc mới đây với Sở Y tế về tình hình dịch bệnh bạch hầu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu yêu cầu ngành Y tế tỉnh tiến hành tổng lực các biện pháp, từ tuyên truyền đến dịch tễ và điều trị tích cực, khoanh vùng để khống chế không để bệnh lây lan rộng; thông báo trên toàn tỉnh về tình hình dịch bệnh để người dân nâng cao ý thức phòng bệnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.