Multimedia Đọc Báo in

Hạn chế sử dụng muối trong sản phẩm chế biến sẵn

07:41, 27/10/2019

Muối là gia vị quen thuộc, phổ biến trong cách chế biến thức ăn của người Việt. Tuy nhiên, thói quen sử dụng quá nhiều muối trong chế độ ăn hằng ngày, chủ yếu là từ các món ăn chế biến sẵn, đồ đóng hộp, đồ ướp mặn... là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ.

Bác sĩ CKII Nguyễn Chí Huân, Phó khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, chế độ ăn thừa muối làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và các bệnh tim mạch có liên quan, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Khi ăn nhiều muối cơ thể sẽ phải cần thêm nước để duy trì ổn định nồng độ dịch thể. Để đáp ứng với yêu cầu này, cảm giác khát nước sẽ xuất hiện làm cho người ăn mặn phải uống nhiều nước, điều này đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch. Hiện tượng này kéo dài sẽ làm tăng huyết áp.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Các thực phẩm chúng ta tiêu thụ hằng ngày đều chứa lượng muối nhất định, trong đó các thực phẩm ăn liền thường chứa lượng muối khá nhiều. Thực phẩm ăn liền gồm mì, miến, bún, phở, xúc xích, lạp xưởng  là những món ăn chế biến nhanh, tiện dụng, giá cả hợp lý… nên được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, lượng muối trung bình trong mỗi gói sản phẩm ăn liền là khoảng 5 gam tương đương với nhu cầu khuyến nghị muối một ngày của người trưởng thành (dưới 5 gam/người/ngày, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới).

Như vậy, chỉ cần ăn một sản phẩm ăn liền là chúng ta đã đủ lượng muối cho cơ thể nhưng trong một ngày chúng ta đâu chỉ ăn một sản phẩm ăn liền, chúng ta còn ăn những loại thức ăn khác. Do đó, lượng muối đưa vào cơ thể thường cao hơn nhu cầu. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm gói ăn liền đã không ghi hàm lượng muối trên nhãn của sản phẩm, dẫn đến việc người dân không chú ý đến lượng muối ăn vào từ các sản phẩm này.

Theo khuyến cáo của bác sĩ, nhằm hạn chế lượng muối trong các gói sản phẩm ăn liền cũng như trong khẩu phần ăn hằng ngày, nên chọn các gói ăn liền có ghi rõ hàm lượng muối trên nhãn của sản phẩm; tự nấu ăn để kiểm soát lượng gia vị mặn sử dụng. Hạn chế chấm hay bổ sung gia vị mặn khi ăn. Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi để cân đối dinh dưỡng, sử dụng các gia vị không mặn khác như tiêu, ớt, chanh… để ăn ngon hơn mà không cần dùng nhiều muối.

Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.