Không phải bệnh nhân nào nhiễm vi khuẩn HP cũng cần điều trị
Không phải tất cả những người nhiễm vi khuẩn HP đều là bệnh lý, không phải bệnh nhân nào nhiễm vi khuẩn HP cũng cần điều trị và không phải bệnh nhân nào nhiễm vi khuẩn HP cũng tiến triển thành ung thư. Đó là khẳng định của tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều người hiểu không đúng về loại vi khuẩn này dẫn đến tình trạng điều trị kháng sinh một cách “vô tội vạ”.
Cách đây không lâu, chị Trần Thị Hương (39 tuổi, ở xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) có biểu hiện đầy hơi, ăn uống khó tiêu, lại thường xuyên bị đau bụng nên đến khám tại một phòng khám tư tại TP. Buôn Ma Thuột. Sau thăm khám và được chỉ định nội soi dạ dày, chị Hương được chẩn đoán bị viêm loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP và được bác sĩ kê đơn thuốc điều trị.
Về nhà, nghe nhiều người nói trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP thì cả nhà đều bị lây và nếu không điều trị rất dễ bị ung thư dạ dày, chị Hương lo sợ liền đưa chồng và cô con gái 6 tuổi đi kiểm tra vi khuẩn HP tại phòng khám tư. Kết quả cho thấy cả hai cha con đều nhiễm loại vi khuẩn này và cùng được bác sĩ kê đơn thuốc về điều trị.
Tương tự, cháu Vi Văn Lâm (6 tuổi, ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) dù không có biểu hiện bệnh tật hay đau ốm gì nhưng do bố cháu đang điều trị viêm loét dạ dày và vi khuẩn HP, sợ con cũng bị lây nên gia đình đưa cháu Lâm đi kiểm tra. Kết quả, cháu Lâm dương tính với vi khuẩn HP. Tuy nhiên, dù được các bác sĩ giải thích rằng không cần điều trị cho cháu Lâm vì không có tổn thương dạ dày nhưng gia đình cháu vẫn năn nỉ bác sĩ kê đơn thuốc để điều trị. Không được các bác sĩ đáp ứng yêu cầu, gia đình cháu Lâm tiếp tục đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 tại TP. Hồ Chí Minh điều trị. Tại đây, các bác sĩ vẫn trả lời rằng dù kết quả kiểm tra trẻ có dương tính với vi khuẩn HP song nếu không có triệu chứng gì thì không cần điều trị bởi việc điều trị không cần thiết sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc.
Trẻ bị viêm loét dạ dày kèm dương tính vi khuẩn HP điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đ.Thi |
Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, vi khuẩn HP có tên khoa học là Helicobacter pylori (được viết tắt trong các phiếu khám bệnh là H.Pylori hoặc khuẩn HP). Đây là một loại vi khuẩn sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Theo kết quả điều tra dịch tễ học năm 2016, tỷ lệ trẻ nhiễm vi khuẩn HP tại Việt Nam là khoảng 40% và trẻ có xu hướng nhiễm HP từ rất sớm, tỷ lệ nhiễm HP tăng nhanh trong giai đoạn trẻ ăn dặm và đi nhà trẻ từ 2 - 6 tuổi. Đáng lo ngại là suy nghĩ rằng vi khuẩn HP trong dạ dày là có hại đang rất phổ biến; thậm chí nhiều người còn cho rằng có kết quả dương tính với vi khuẩn HP mà không điều trị sẽ bị ung thư dạ dày. Suy nghĩ này khiến nhiều người lo lắng thái quá, chủ động đưa các thành viên trong gia đình đi làm kiểm tra vi khuẩn HP; khi có kết quả dương tính HP, dù không có chỉ định của bác sĩ vẫn đến các phòng khám tư đề nghị được điều trị.
Bác sĩ Minh cho biết, vi khuẩn HP không phải luôn luôn có hại. Dù vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân chính gây viêm hoặc loét dạ dày và chỉ có một vài tuýp của vi khuẩn HP có thể gây ung thư dạ dày nhưng nhiều trường hợp nhiễm vi khuẩn HP vẫn sống yên bình cho đến cuối đời. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần hết sức tỉnh táo, chỉ đưa trẻ đi xét nghiệm khi có chỉ định của bác sĩ hoặc khi trẻ có triệu chứng: đau bụng kéo dài, sụt cân, đầy hơi, buồn nôn, nôn… Khi trẻ em và cả người lớn có kết quả dương tính với vi khuẩn HP, chỉ nên điều trị trong các trường hợp sau: bệnh nhân có bằng chứng nhiễm vi khuẩn HP kèm theo nội soi dạ dày, tá tràng có chẩn đoán viêm hoặc loét dạ dày; những trường hợp có nhiễm vi khuẩn HP trong điều kiện không nội soi được, chỉ điều trị những trường hợp viêm dạ dày teo hoặc gia đình có tiền căn ung thư dạ dày. Lúc này, việc điều trị tuân theo phác đồ của y, bác sĩ là vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa các biến chứng cũng như ung thư dạ dày.
Việc điều trị kháng sinh khi có kết quả dương tính với vi khuẩn HP một cách đại trà là không đúng và cũng không phải là biện pháp ngăn ngừa ung thư. Tất cả vấn đề điều trị kháng sinh đều nên tuân theo phác đồ của Bộ Y tế. Việc điều trị kháng sinh bừa bãi, tràn lan, nhất là kháng sinh diệt vi khuẩn HP có thể diệt luôn vi khuẩn có lợi trong đường ruột, gây mất cân bằng hệ thống vi khuẩn trong đường ruột, gây rối loạn tiêu hóa kéo dài và đặc biệt gây nên tình trạng kháng sinh (kháng thuốc). |
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc