Phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ em
Suy dinh dưỡng ở trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào, như: nhẹ cân, thấp còi, béo phì và phù cũng đều đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, là nguyên nhân chính dẫn đến kém phát triển về trí tuệ, thể lực và đặc biệt khiến trẻ dễ bị bệnh tật và tử vong. Vì vậy, việc chú trọng dinh dưỡng cho trẻ là việc làm vô cùng cần thiết.
Theo bác sĩ Phan Thị Minh, Phụ trách Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk, để biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không, cần theo dõi cân nặng của trẻ hằng tháng dựa trên biểu đồ tăng trưởng. Khi đường vẽ biểu đồ chiều cao, cân nặng của trẻ có xu hướng đi ngang và đi xuống là trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Hiện nay, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm dần nhưng vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, đứng thứ 7 trong cả nước. Số trẻ bị suy dinh dưỡng chủ yếu tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân có thể do trẻ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, đáng lo ngại là có nhiều bậc cha mẹ không nhận ra con mình bị suy dinh dưỡng cho đến khi tình trạng ấy trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Như trường hợp bé con chị Trần Thị Ngọc (ở xã Buôn Triết, huyện Lắk). Bé ăn uống tốt nhưng không hiểu sao tăng cân rất chậm. Nghĩ rằng chỉ cần con không đau ốm, bệnh tật là được nên chị không đưa con đi khám. Nhưng khi cháu bắt đầu vào học lớp 1 thì thể lực kém hẳn, hay ốm vặt và mỗi lần ốm thì rất lâu khỏi. Chị Ngọc đưa con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thể lực kém dẫn đến hệ miễn dịch cũng suy giảm.
Hay như bé gái con chị H’Lam Byă (cũng ở xã Buôn Triết) đã 2 tuổi nhưng chỉ nặng 9 kg. “Sau sinh được 4 tháng tôi bắt đầu cho con ăn dặm kết hợp bú sữa mẹ ban đêm, ban ngày tôi đi làm nên cho bé bú sữa bột công thức. Bé ăn rất khỏe và nhiều nhưng không hiểu sao cứ còi cọc chậm lớn”, chị H’Lam nói.
Cán bộ Trạm Y tế xã Buôn Triết (huyện Lắk) tư vấn về cách phòng tránh suy dinh dưỡng ở trẻ. |
Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, có thể xảy ra ở trẻ em từ khi còn trong bào thai cho đến sau khi sinh. Người mẹ trước và trong khi mang thai ăn uống không đầy đủ có thể dẫn đến bị suy dinh dưỡng và sinh ra đứa con nhẹ cân, còi cọc. Trẻ bị suy dinh dưỡng từ trong bào thai thì sau sinh rất dễ bị suy dinh dưỡng.
Người mẹ bị suy dinh dưỡng, ăn uống kém trong những tháng đầu sau sinh có thể dẫn đến tình trạng thiếu sữa hoặc mất sữa, do đó đứa con cũng dễ bị suy dinh dưỡng. Các trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: viêm đường hô hấp, tiêu chảy, các bệnh ký sinh trùng mạn tính cũng có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Đồng thời chế độ nuôi dưỡng không hợp lý khi trẻ bị bệnh càng làm cho tình trạng suy dinh dưỡng nặng nề hơn ở trẻ dưới 5 tuổi.
Ngoài chăm sóc về ăn uống, nếu trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, ăn ở không hợp vệ sinh, sử dụng nguồn nước không sạch để nấu ăn, tắm giặt cho trẻ, xử lý nước thải, phân, rác không đảm bảo và hợp lý cũng là những yếu tố khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.
Để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, cần chăm sóc bà mẹ ngay trong thời kỳ mang thai. Theo đó, người mẹ cần được ăn uống đủ chất dinh dưỡng, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, quản lý thai nghén và tiêm ngừa đầy đủ. Cần cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; trẻ cần được bú nhiều lần trong ngày, bất cứ lúc nào khi trẻ đói, kể cả ban đêm. Cho trẻ bú đúng cách để trẻ nhận được nguồn sữa nhiều nhất. Khi trẻ từ 7 tháng đến 24 tháng tuổi vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ nhiều lần trong ngày; đồng thời cần cho trẻ ăn bổ sung.
Tùy theo lứa tuổi của trẻ có thể cho trẻ ăn bột, cháo, cơm. Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng hơn so với trẻ thường. Bữa ăn bổ sung cho trẻ cần có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, như: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Khi chăm trẻ ở giai đoạn này cần cho trẻ ăn với số lượng thức ăn tăng dần từ ít đến nhiều, từ lỏng đến đặc, từ mềm đến thô dần theo từng độ tuổi. Nên đổi món thường xuyên để trẻ không chán ăn. Thức ăn phải hợp với khẩu vị của trẻ để trẻ ăn ngon miệng và thích ăn.
Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng cần tăng cả về số lượng và chất lượng so với trẻ bình thường khác. Không nên ép trẻ ăn hết khi trẻ đã chán. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, cần được bổ sung vi chất dinh dưỡng. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng như thế nào thì cần có sự tư vấn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý bổ sung các loại thuốc bổ cho trẻ.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc