Bệnh suy tim cần được chẩn đoán và điều trị sớm
09:50, 02/11/2019
Suy tim là một trong những bệnh lý về tim mạch khá phổ biến hiện nay với tỷ lệ người mắc bệnh ngày càng nhiều. Đây là một bệnh lý xảy ra ở giai đoạn cuối khi cơ tim không thể bơm đủ lượng máu từ tim đến các cơ quan khác trong cơ thể nhằm đáp ứng nhu cầu máu và ôxy.
Ban đầu, suy tim xảy ra khi người bệnh gắng sức và về sau là cả những lúc bệnh nhân đang nghỉ ngơi. Khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) hiện mỗi ngày khám và điều trị 50 - 70 bệnh nhân mắc các bệnh lý về tim mạch, trong đó có 10 - 15 trường hợp bị suy tim.
Như ông Nguyễn Quang Minh (70 tuổi, ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk) bị suy tim đã 4 năm nay. Do ông đi khám sớm và tuân thủ điều trị cùng chế độ dinh dưỡng, ăn uống hợp lý theo khuyến cáo của thầy thuốc nên bệnh tình của ông vẫn duy trì ổn định. Trường hợp khác là chị H’Lu Byă (ở xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) nhập viện trong tình trạng đau đầu, khó thở, chóng mặt. Qua thăm khám và chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện chị bị hẹp van tim, suy tim, thiếu máu nặng và phải truyền máu. Cứ mỗi tháng chị phải truyền máu hai lần, sử dụng thuốc nội khoa để ổn định sức khỏe.
Bệnh nhân mắc bệnh suy tim được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Theo bác sĩ CKII Ngô Văn Hùng, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh suy tim có thể xảy ra với bất kỳ ai kể cả trẻ em. Bệnh thường gặp ở các trường hợp trẻ bị dị tật tim bẩm sinh khiến cho cơ tim hoạt động không hiệu quả. Nhiễm virus cũng có thể dẫn tới suy tim ở trẻ em, ngoài ra một số loại thuốc điều trị ung thư ở trẻ em cũng có khả năng gây tổn hại đến cơ tim. Trong khi đó, suy tim ở người già chủ yếu là do tăng huyết áp nhưng không điều trị, hoặc bệnh cơ tim thiếu máu, nhồi máu cơ tim, hở van tim, bệnh mạch vành, xơ vữa mạch, bệnh huyết khối, rối loạn mỡ máu, rối loạn nhịp tim kéo dài, suy thận mạn tính…
Suy tim được coi là “kẻ giết người thầm lặng”, tỷ lệ tử vong của căn bệnh này lên tới 45% trong tổng số bệnh nhân mới mắc hằng năm.
|
Người bệnh suy tim thường xuyên bị mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau tức ngực do thiếu oxy; ho, phù, khó thở do ứ trệ tuần hoàn. Các triệu chứng này làm mọi hoạt động của người bệnh bị hạn chế và gây tâm lý hoang mang, bi quan về tình hình bệnh tật. Trong suy tim cấp, người bệnh có thể bị tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ Hùng, suy tim được chia làm 4 mức độ, nặng dần từ 1 – 4. Do vậy, nếu được chẩn đoán suy tim độ 1, độ 2 thì tiên lượng sẽ tốt hơn và thời gian sống cũng kéo dài hơn độ 3, độ 4. Đối với căn bệnh này, nếu người bệnh không kèm theo các vấn đề khác về sức khỏe thì khả năng phục hồi sẽ nhanh hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp người bị suy tim lại kèm theo bệnh mạn tính khác như tiểu đường, viêm thận, viêm dạ dày, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thì tiên lượng sẽ không mấy khả quan. Thời gian sống của người bệnh sẽ phụ thuộc vào mức độ cải thiện của các bệnh khác nữa. Chính vì vậy, chế độ chăm sóc đóng vai trò hết sức quan trọng giúp cho người bệnh kéo dài tuổi thọ.
Liên Chi - Đình Thi
Ý kiến bạn đọc