Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng tình trạng sinh con thứ ba ở Buôn Đôn

08:38, 26/11/2019

Trong 2 năm trở lại đây, tình trạng sinh con thứ ba đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Điều này vô hình chung sẽ tạo ra nhiều hệ lụy như đời sống kinh tế khó khăn, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tăng cao, mất cân bằng giới tính, chất lượng dân số giảm…

Năm nay, đã bước sang tuổi 40 nhưng chị H’Wer Niê (buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl) vẫn sinh thêm một đứa con gái để nối dõi, chăm sóc khi tuổi già. Vợ chồng chị hiện không có việc làm ổn định mà phải nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn học và 1 đứa chưa dứt sữa mẹ.

Cũng vì “khát” con gái, nên sau khi sinh được 3 con trai, chị H’Nhang Alio (cũng ở buôn Niêng 1)vẫn cố sinh thêm đứa con gái. Điều đáng nói gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, nhà cửa, đất đai không có, công việc lại bấp bênh nên đàn con cứ để nheo nhóc, bữa đói bữa no. Chị H’Nhang bộc bạch: “Không có vườn, rẫy, vợ chồng mình đều đi làm thuê làm mướn, hằng ngày ai kêu gì làm nấy, lúc không có việc làm, không có tiền thì cả nhà cũng chẳng có cái ăn. Nhìn con cái khổ mình thương lắm, giờ con cái có đủ cả trai, cả gái rồi nên chắc mình sẽ không sinh thêm nữa”.

Góc bếp tạm bợ của gia đình chị H’Wer Niê.
Góc bếp tạm bợ của gia đình chị H’Wer Niê.

Chị Đào Thị Thu Hương, Cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ea Nuôl, cho biết: “Thời gian trước chúng tôi tuyên truyền rất mạnh về việc không sinh con thứ ba để người dân nâng cao nhận thức. Tuy nhiên, từ năm 2017 trở về đây là giai đoạn mà dân số trên địa bàn huyện đã cân bằng, công tác tuyên truyền về sinh con thứ ba giảm dần nhường chỗ cho tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sơ sinh, mất cân bằng giới tính khi sinh. Có lẽ vì vậy mà năm 2019 tỷ lệ sinh con thứ ba trên địa bàn lại bắt đầu gia tăng”.

Không chỉ riêng xã Ea Nuôl, tình trạng sinh con thứ ba trở lên đang có xu hướng gia tăng tại nhiều xã khác trên địa bàn huyện Buôn Đôn. Thống kê của Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 600 trẻ sinh ra, trong đó có 84 trẻ là con thứ ba trở lên, chiếm tỷ lệ 13,9%, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2018.

 
“Thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều kênh, trong đó chú trọng truyền thông trực tiếp tại các địa bàn trọng tâm là vùng có mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ ba cao; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đối với cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ có nguy cơ vi phạm chính sách dân số”.
 
Bà Đàm Thị Thơm, cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba gia tăng trên địa bàn huyện Buôn Đôn, ngoài nguyên nhân nêu trên còn có phần do đời sống người dân được nâng cao, kinh tế phát triển, có gia đình dù con cái đã có đủ trai, đủ gái nhưng vẫn muốn sinh thêm con cho “vui cửa vui nhà” và đề phòng rủi ro, tai nạn. Theo bà Đàm Thị Thơm, cán bộ Phòng Dân số, Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn, trước đây tình trạng sinh con thứ ba thường chỉ xảy ra ở những gia đình sinh con một bề, thế nhưng hiện nay một số gia đình có kinh tế khá giả cũng sinh thêm con để gia đình đông vui. Thậm chí, một số đảng viên cũng chưa thực sự gương mẫu trong việc thực hiện chính sách dân số, không ít người đã cố tìm cách “lách luật” hoặc sẵn sàng chịu kỷ luật để sinh thêm con thứ ba trở lên.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, có lẽ do không có chế tài cụ thể, không có quy định chung của pháp luật về việc xử phạt các trường hợp vi phạm sinh con thứ ba; các địa phương chỉ xử lý theo quy ước, hương ước, tuyên truyền, vận động, nhắc nhở; đối với các đảng viên vi phạm, các hình thức xử lý cũng khá nhẹ nhàng do “nể nang”, “thông cảm” lẫn nhau nên chưa thực sự có tính răn đe. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh con thứ ba trở lên gia tăng trên địa bàn huyện Buôn Đôn.

Cán bộ dân số huyện Buôn Đôn và cộng tác viên dân số xã Ea Nuôl tuyên truyền chính sách dân số đến người dân trên địa bàn.
Cán bộ dân số huyện Buôn Đôn và cộng tác viên dân số xã Ea Nuôl tuyên truyền chính sách dân số đến người dân trên địa bàn.

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng sinh con thứ ba trở lên, thời gian tới, ngoài nỗ lực của cán bộ dân số trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, các ban, ngành, đoàn thể ở huyện Buôn Đôn cần coi công tác Dân số-KHHGĐ là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt phải coi trọng vai trò gương mẫu tự giác chấp hành chính sách dân số của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.