Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày thế giới phòng chống lao (24-3)

Nâng cao nhận thức để giảm nguy cơ lây lan bệnh lao ra cộng đồng

08:44, 24/03/2020

Lao là bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lưu hành trong cộng đồng đã lâu, từng được y học nước ta xếp vào “tứ chứng nan y”, tức là 4 bệnh khó chữa nhất cho đến khi có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu như ngày nay.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn khá nhiều người thiếu kiến thức về căn bệnh này khiến tỷ lệ mắc trong cộng đồng còn cao. Thực trạng này ảnh hưởng đến mục tiêu tiến tới thanh toán bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

Bác sĩ CKI Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh) cho biết, nhận thức của người dân về bệnh lao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhiều trường hợp để đến khi cơ thể suy kiệt mới chịu đi khám. “Nếu bệnh nhân thiếu kiến thức về bệnh lao, đồng nghĩa với việc họ không biết đây là căn bệnh rất dễ lây nên không biết cách bảo vệ cho những người xung quanh mình. Lúc này, ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và giảm hiệu quả điều trị còn khiến vi khuẩn lao lây lan ra cộng đồng. Đây mới thật sự là điều đáng lo ngại”, bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ nói.

Một bệnh nhân đang được  khám và điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi  Đắk Lắk.  Ảnh: Quang Nhật
Một bệnh nhân đang được khám và điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đắk Lắk. Ảnh: Quang Nhật

Như trường hợp ông Cung Văn Đ. (52 tuổi, ở xã Đắk Rông, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) có dấu hiệu mắc bệnh lao cách đây một năm nhưng vì là lao động chính trong gia đình nên ông cố gắng làm việc và trì hoãn đi khám. Cách đây hơn một tháng, khi cơ thể quá mệt mỏi, không ăn uống được và hay sốt về chiều, ông Đ. mới đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám và được chuyển sang Bệnh viện Lao và bệnh Phổi Đắk Lắk làm xét nghiệm. Kết quả cho thấy ông Đ. mắc lao phổi, đã vào giai đoạn nặng, cơ thể suy kiệt. Ông Đ. cho biết trước đó ông có tiếp xúc với những bệnh nhân mắc lao khác tại địa phương mà không sử dụng bất kỳ phương tiện bảo hộ cá nhân nào, ông cũng không hề biết rằng bệnh lao có thể lây qua đường hô hấp.

Một trường hợp mắc bệnh lao khác là anh Đinh Xuân D. (29 tuổi, ở thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc). Cách đây khoảng 2 năm, anh D. được chẩn đoán mắc bệnh lao trong một lần khám bệnh tổng quát nhưng vì thấy sức khỏe vẫn tốt nên anh chủ quan không điều trị, cho đến đầu năm 2020, khi thấy cơ thể mệt mỏi, đau đầu dai dẳng, sút cân nhiều, anh mới đến khám tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh và được chẩn đoán mắc lao phổi và lao màng não. “Thỉnh thoảng tôi có nghe nói về bệnh lao trên ti vi nhưng không quan tâm và không biết gì về căn bệnh này. Sau hơn một tháng điều trị bệnh, trải qua nhiều đau đớn, tôi mới thực sự thấy sợ”, anh D. chia sẻ.

Thiếu kiến thức hoặc chủ quan về bệnh lao sẽ khiến sức khỏe, năng suất lao động suy giảm, kéo theo việc điều trị khó khăn, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra, lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh thường có các triệu chứng như: sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi ban đêm, kém ăn, sụt cân, đau đầu, tức ngực, khó thở, ho ra máu... Đây là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ hai trong số các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, bệnh lao hiện đã có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng phác đồ.

Để phòng bệnh lao, mỗi người nên có lối sống lành mạnh, khoa học, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục thể thao đều đặn, không hút thuốc lá, thuốc lào. Khi tiếp xúc với người mắc bệnh phải đeo khẩu trang. Trẻ em cần được tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG) trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay trung tâm y tế hoặc bệnh viện chuyên khoa lao phổi để khám. Thuốc chữa bệnh lao được cấp miễn phí.

Thu Huế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.