Phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em
Tiêu chảy cấp là tình trạng trẻ đi ngoài từ 3 lần trở lên trong ngày và phân nhiều nước. Bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước và các chất điện giải nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của trẻ chỉ trong thời gian ngắn.
Không những vậy, bệnh còn ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, như: nhẹ cân, thấp còi, suy dinh dưỡng… vì giảm hấp thu do tổn thương niêm mạc ruột.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, tiêu chảy cấp là bệnh lý khá phổ biến và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trước đây, mùa hè và mùa đông là thời điểm dịch bệnh tiêu chảy cấp thường xuất hiện. Tuy nhiên, những năm gần đây, bệnh xảy ra vào tất cả các thời điểm trong năm. Nguyên nhân gây ra tiêu chảy cấp có thể do nhiễm trùng đường ruột. Bệnh gây ra bởi một số ký sinh trùng, vi khuẩn thâm nhập vào đường ruột; trong đó tiêu chảy cấp do Rotavirus là nguy hiểm nhất.
Tiêu chảy cấp là bệnh lây lan rất nhanh, lây truyền chủ yếu qua đường phân, miệng và tay. Vi rút được thải ra ngoài theo phân người bệnh và tồn tại nhiều ngày trong phân, trên bề mặt các đồ vật xung quanh, như: bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà... Trẻ càng nhỏ bệnh càng nặng bởi sức đề kháng yếu. Nguy cơ nhiễm bệnh của trẻ nhỏ cũng rất cao vì các bé hay ngậm, mút tay… Khi nhiễm bệnh, vi rút tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ làm trẻ bị tiêu chảy, nôn ói và dẫn đến mất nước nhanh chóng. Nôn ói là triệu chứng xuất hiện trước tiêu chảy 12 giờ và có thể kéo dài 2 - 3 ngày. Trẻ ói rất nhiều vào ngày đầu và giảm dần khi bắt đầu đi tiêu chảy. Tiêu chảy nhiều lần, phân lỏng toàn nước, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần.
Bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp đang được điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). |
Tiêu chảy cấp là loại siêu vi kháng với các chất tẩy rửa thông thường như xà bông, nước javen… Bệnh hiện vẫn chưa có thuốc trị liệu đặc hiệu, kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh này. Việc điều trị bệnh chủ yếu là bù nước và muối để phòng biến chứng mất nước. Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện nêu trên, nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định chính xác tình trạng bệnh, có hướng điều trị phù hợp. Tuyệt đối không được tự ý điều trị, cho uống thuốc cầm tiêu chảy vì thuốc này có thể gây táo bón, khô miệng, chướng bụng, nếu uống quá liều có thể gây liệt ruột, hoặc trẻ bị mất nước, mất điện giải dễ dẫn đến tử vong.
Tiêu chảy có hai triệu chứng chính là đi ngoài phân lỏng và nôn. Nếu đi ngoài phân lỏng ít, trẻ không nôn thì cha mẹ nên cho trẻ điều trị tại nhà bằng cách bổ sung Oresol để phòng biến chứng mất nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, các nước hoa quả để tăng sức đề kháng cho trẻ. Với những trẻ còn đang bú mẹ thì cho trẻ bú nhiều hơn bình thường. Nếu trẻ bị tiêu chảy kèm theo tình trạng nôn trớ, đi ngoài quá nhiều nước kèm sốt, mệt thì nên cho trẻ nhập viện. Vì khi ở nhà, trẻ bị nôn nhiều chúng ta không thể bù nước cho trẻ bằng đường uống mà các bác sĩ phải truyền dịch. Khi trẻ hết nôn trớ thì có thể bắt đầu bù nước bằng đường uống, khi đó trẻ có thể điều trị tại nhà.
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp, các bác sĩ khuyến cáo: Cần phải rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chế biến thực phẩm tươi sống; nhắc trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ăn chín, uống chín.
Tiêu chảy cấp có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó bệnh do Rotavirus là dễ mắc và nguy hiểm nhất. Hiện tại Việt Nam đã có vắc xin phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus, có tác dụng phòng bệnh ở trẻ dưới 5 tuổi và bảo vệ sớm trước khi Rotavirus khởi phát. Trẻ được uống hai liều vắc xin cách nhau 1 tháng, bắt đầu từ tuần lễ thứ 6 sau khi sinh và tuổi kết thúc uống là trước 4 tháng tuổi. |
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc