Cứu chữa dịch bệnh cho dân gấp hơn lửa cháy
Dưới triều Nguyễn, các bệnh dịch gây chết nhiều người xảy ra ở nhiều địa phương, hầu như năm nào cũng có. Theo thống kê của chính sử triều Nguyễn được ghi chép trong “Đại Nam thực lục” thì có những trận đại dịch lớn khiến quân dân chết hơn 18.000 người.
Theo tài liệu trên, vào năm Minh Mạng thứ nhất (1820) có dịch bệnh bùng phát ở một số nơi như ở Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường. Tháng 7 năm đó, các tỉnh từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình lại báo có dịch: Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp. Sắc cho các địa phương mỗi nơi đặt một đàn tế lễ. Người ốm thì cấp thuốc, người chết thì cấp tiền vải, theo như lời dụ trước.
Theo chính sử ghi chép, khi có dịch bùng phát thì triều đình cũng lập tức cung cấp thuốc chữa cho dân, song ở nước ta trong thế kỷ 19, xã hội còn nặng về vấn đề tâm linh, khoa học thì chưa phát triển nên việc cầu cúng thần linh là một giải pháp nhằm để trấn an tâm lý cho bản thân và cho mọi người. Vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra vua Minh Mạng đã nhiều lần cho lập đàn cầu đảo ở trong cung và xung quanh các miếu ở kinh thành, nhà vua còn cho các chùa và các địa phương có bệnh dịch làm lễ cầu đảo cho dân.
Tỉnh Hải Dương có bệnh dịch, quan tỉnh xin lấy tiền kho mua thuốc chữa bệnh cho dân. Bộ Hộ phúc tấu, cho rằng: Những dân ở quanh tỉnh có một, hai người cảm nhiễm thì chữa chạy còn được, chứ muốn chữa cả người này, người khác thì không khắp được. Vua nói : "Không sao, thấy dân ốm đau, há lại ngồi nhìn mà không cứu?". Vua bèn chuẩn y như lời đã xin. Sau đó hơn tháng, bệnh dịch đã lui. Tỉnh Phú Yên có bệnh dịch, nhân dân bị truyền nhiễm, chết hơn 5.000 người. Quan tỉnh tâu lên, vua bảo Bộ Hộ: “Hạt ấy sau khi thiếu ăn, việc sinh sống vừa mới yên, nay lại gặp tai dịch, thật rất đáng thương! Vậy dụ sai quan tỉnh lập tức lập đàn kỳ yên và chuẩn bị nhiều thuốc thang để điều trị”. Tỉnh Bình Thuận phát bệnh dịch. Lính và dân nhiễm bệnh chết hơn 590 người. Việc tâu lên. Vua sai quan tỉnh xuất của kho, cấp tiền tuất. Tỉnh Hưng Yên có bệnh dịch. Dân trong hạt bị truyền nhiễm chết đến hơn 700 người. Ra lệnh cho quan tỉnh lấy của kho cấp cho tiền tuất.
Về việc kiểm soát dịch bệnh ngoài việc cấp thuốc men, thầy thuốc chẩn trị, triều đình cầu đảo ra thì đối với những địa phương có người không may bị chết vì dịch đều được cấp cho tiền tuất, đây cũng là một trong những biện pháp an lòng dân để kiểm soát dịch bệnh. Đối với việc chậm trễ trong công tác phòng, chống dịch bệnh, sách “Đại Nam thực lục” đã ghi lại việc vua Minh Mạng nói cứu tai nạn cho dân gấp hơn lửa cháy và trách phạt quan phụ trách trễ nải trong công việc chống dịch.
Công tác chống dịch, phòng dịch luôn được các triều đại quan tâm. “Cứu tai nạn cho dân gấp hơn lửa cháy, thấy dân ốm đau, há lại ngồi nhìn mà không cứu” là chiếu chỉ của vua Minh Mạng đối với công cuộc chống dịch.
Nguyễn Huy Khuyến
Ý kiến bạn đọc