Đưa tiêm chủng hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội
Sau thời gian tạm ngừng chương trình tiêm chủng mở rộng do giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid -19, từ đầu tháng 5 đến nay, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt đưa chương trình tiêm chủng hoạt động trở lại.
Hơn 2 tuần qua, sau khi thông báo chương trình tiêm chủng mở rộng trở lại, Trạm Y tế phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) đã đón nhiều phụ huynh đưa con đến tiêm vắc xin phòng bệnh. Để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng cũng như thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19, Trạm Y tế Phường Tự An thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn sạch sẽ khu vực tiêm trước và sau tiêm chủng; bố trí lực lượng đo thân nhiệt cho phụ huynh và trẻ; hướng dẫn người dân rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang, khai báo y tế và chỉ dẫn đến các bàn khám sàng lọc.
Trạm Y tế phường Tân Thành khám sàng lọc cho trẻ đến tiêm chủng. |
Ngay khi nhận được thông báo của Trạm Y tế phường, chị Chế Thị Hà (phường Tự An) đã đưa con đến tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Chị cho biết: “Đầu tháng 4 vừa qua, con tôi đến lịch tiêm vắc xin sởi, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lịch tiêm của bé đã bị trễ 1 tháng. Thế nên ngay khi nhận được thông báo của Trạm Y tế phường, tôi đã nhanh chóng đưa con đến tiêm. Quy trình tiêm chủng cùng công tác phòng dịch tại trạm được chuẩn chị khá kỹ lưỡng nên tôi rất yên tâm”.
Tương tự, tại Trạm Y tế phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), ngay khi có chỉ đạo của cấp trên về triển khai tiêm chủng trở lại, đội ngũ cán bộ y tế nơi đây đã lên kế hoạch, phân lịch tiêm chủng của từng trẻ và gửi tin nhắn hẹn lịch tiêm cho các bà mẹ biết để đưa con đi tiêm đúng lịch. Theo nữ hộ sinh Nguyễn Thị Mỹ Vân, cán bộ phụ trách chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm Y tế phường Tân Thành, trong 2 tuần qua, trạm tổ chức 2 bàn tiêm để đảm bảo đủ số lượng trẻ được tiêm trong mỗi buổi và các trẻ được giãn cách khi đến tiêm theo quy định. Phường có lợi thế là nằm ngay trung tâm thành phố nên sau khi nhận được tin nhắn của trạm, các bà mẹ đưa con đến tiêm khá đầy đủ và đúng giờ. Hiện chỉ có khoảng 10-20% bà mẹ trên địa bàn ít quan tâm lịch tiêm chủng cho con, nên y tế cơ sở cũng dễ dàng khoanh vùng để tuyên truyền, vận động.
Để công tác tiêm chủng diễn ra thuận lợi, theo đúng quy định của Bộ Y tế, trước đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) đã hướng dẫn về cách thức tổ chức tiêm chủng kết hợp với việc phòng dịch Covid-19 cho các đơn vị; đồng thời chuẩn bị đầy đủ vắc xin cung ứng cho các huyện, thị xã, thành phố; yêu cầu các địa phương lập danh sách các trẻ bị trễ lịch để thực hiện tiêm vét, không bỏ sót.
Các bà mẹ tuân thủ việc đeo khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 khi đưa con đến tiêm chủng tại trạm y tế. |
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế, từ đầu tháng 5, trên toàn tỉnh đã triển khai việc tiêm chủng trở lại. CDC đã yêu cầu các địa phương dự trù vắc xin, vật tư phục vụ công tác tiêm chủng sát sao để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhất là khi nhu cầu tăng lên do tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ bị dồn lịch tiêm chủng trong thời gian qua. Việc tiêm chủng trong mùa dịch Covid-19 có một số thay đổi so với thời điểm không có dịch. Cụ thể, thực hiện khử khuẩn trước ngày tiêm, vệ sinh bàn ghế trước khi tiêm chủng; vẫn duy trì tiêm 50 trẻ trong một buổi nhưng phải phân lịch với các thời điểm cụ thể, không để tập trung quá 20 trẻ trong một thời điểm; bố trí khu vực chờ trước và sau tiêm đảm bảo giãn cách các bà mẹ đưa trẻ đến tiêm; người đưa trẻ đến tiêm phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Đặc biệt, những người đưa trẻ đến tiêm, hoặc trẻ đi tiêm có biểu hiện nóng, sốt đều phải hoãn tiêm và được hướng dẫn theo dõi sức khỏe tại nhà. Qua kiểm tra, các trạm y tế xã, phường đều thực hiện khá tốt các quy định này và hoạt động tiêm chủng cũng được người dân hưởng ứng, tham gia.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Việc tiêm vắc xin phòng bệnh là vô cùng quan trọng và cần thiết với trẻ em và tất cả mọi người, nhất là những loại vắc xin có khả năng kích thích hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động tốt hơn và có thể tạo miễn dịch chéo trước Covid-19 như vắc xin cúm, sởi, thủy đậu, phế cầu. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc