Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng bệnh nhân bỏ điều trị Methadone

19:48, 29/05/2020

Chương trình điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai trên địa bàn Đắk Lắk từ tháng 12-2015.

Sau gần 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực: giúp người nghiện từ bỏ ma túy, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người nghiện, hạn chế gia tăng các tội phạm liên quan đến ma túy (buôn bán, sử dụng ma túy), góp phần đảm bảo ổn định an ninh, trật tự xã hội, đồng thời hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu (viêm gan B, viêm gan C). Qua theo dõi cho thấy đa số bệnh nhân kiên trì tuân thủ tốt điều trị, từng bước hồi phục sức khỏe, ổn định tâm lý, có thể làm việc, lao động bình thường, thoát khỏi sự lệ thuộc vào ma túy.

Tuy nhiên, thời gian gần đây số bệnh nhân bỏ điều trị Methadone lại có chiều hướng gia tăng. Theo thống kê của Khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) đến ngày 30-4-2020, trong số 556 bệnh nhân được điều trị Methadone, chỉ còn 247 bệnh nhân tiếp tục duy trì điều trị, chiếm khoảng 44,4%. Những bệnh nhân không còn điều trị do nhiều nguyên nhân: tử vong, mắc các bệnh lý khác không đến điều trị, xa cơ sở điều trị, đi làm ăn xa  hoặc bị bắt vào các trại giam, đặc biệt có nhiều bệnh nhân bỏ điều trị không rõ lý do.

Bệnh nhân uống Methadone tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).
Bệnh nhân uống Methadone tại Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh).

Một trong nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do Đắk Lắk có địa bàn rộng nhưng toàn tỉnh hiện mới chỉ có 1 cơ sở điều trị Methadone (46 Hoàng Diệu, TP. Buôn Ma Thuột) và 1 điểm cấp phát thuốc tại Trung tâm Y tế huyện Ea H’leo khiến nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong việc đi lại. Ngoài ra, chương trình điều trị Methadone cũng đang gặp khó do một số huyện chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội và Y tế trong việc giới thiệu, chuyển gửi bệnh nhân. Mặt khác, điều trị thay thế bằng thuốc Methadone phải thực hiện lâu dài và gần như suốt đời, tuy nhiên sau một thời gian điều trị, thấy không còn thèm hêrôin, bệnh nhân và người nhà tưởng đã cai nghiện thành công nên quyết định bỏ dở điều trị cho đỡ tốn kém chi phí, công sức đi lại. Để bảo đảm hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất việc tái nghiện cho các bệnh nhân đang điều trị Methadone có nguyện vọng được giảm liều tiến tới ngừng điều trị thì cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh, bác sĩ, tư vấn viên và người nhà; trong đó bệnh nhân đóng vai trò quyết định, cần được đánh giá về tính ổn định thuốc, về lâm sàng, về tâm lý và xã hội với các tiêu chuẩn và điều kiện quy định.

Thiết nghĩ, muốn giải quyết tình trạng bệnh nhân bỏ điều trị, cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông đến tận hộ gia đình cho người dân hiểu được lợi ích của việc điều trị Methadone. Đặc biệt, chính quyền địa phương cần sớm nhân rộng thêm các cơ sở cấp phát thuốc vệ tinh, nhất là ở các huyện xa trung tâm để người nghiện dễ đi lại, tiếp cận sớm. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu việc kết hợp chương trình điều trị với dạy nghề, hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm phù hợp, lâu dài cho bệnh nhân, giúp họ ổn định tư tưởng, dự phòng tái nghiện ma túy. Như vậy, việc điều trị Methadone mới có thể mang lại hiệu quả cao, có tính bền vững hơn.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc