Multimedia Đọc Báo in

Nhận biết sớm các dấu hiệu viêm màng não

08:16, 24/05/2020
Viêm màng não là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên các triệu chứng thần kinh nặng nề. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là ở trẻ em và có tỷ lệ tử vong cao, có thể lên đến 50% các trường hợp mắc.
 
Đối với những trường hợp bệnh nặng, dù được cứu sống cũng sẽ để lại những di chứng nặng nề. Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh viêm màng não ở trẻ là rất quan trọng để tránh biến chứng, di chứng nguy hiểm.

Màng não nằm trong hộp sọ, là thành phần bao bọc não và tủy sống, có vai trò như một "hàng rào"  bảo vệ các cơ quan nhạy cảm của hệ thần kinh trung ương khỏi các chấn thương. Màng não còn là cơ quan sản sinh ra dịch não tủy bảo vệ và nuôi dưỡng mô hệ thần kinh trung ương. Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não, do vi khuẩn, vi rút, lao, kí sinh trùng hoặc nấm; trong đó viêm màng não do vi khuẩn và vi rút là chủ yếu.

Bệnh nhi viêm màng não được điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên).  Ảnh: Quang Nhật
Bệnh nhi viêm màng não được điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên). Ảnh: Quang Nhật

Triệu chứng điển hình của bệnh viêm màng não là sốt cao liên tục, đau đầu, buồn nôn, cứng cổ. Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị muộn, bệnh dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: tổn thương các dây thần kinh sọ não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch, tắc nghẽn dịch não tủy, sốc huyết phủ tạng, nặng nề nhất là tử vong. Với những trường hợp bệnh nặng, mặc dù bảo toàn được mạng sống nhưng phải chịu di chứng nặng nề như mù, câm, điếc, liệt, giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, động kinh…

Viêm màng não là căn bệnh nguy hiểm song nhiều bậc phụ huynh vẫn còn thiếu kiến thức về căn bệnh này, khiến nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh được điều trị muộn, ảnh hưởng sức khỏe nặng nề. Điển hình như trường hợp cháu Y. P.Byă (12 tuổi, ở huyện Cư M’gar) đã điều trị bệnh viêm màng não tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) hơn một tháng. Theo các bác sĩ, Y. P. nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, co giật. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho biết bệnh nhân mắc bệnh viêm màng não. Do nhập viện quá muộn, bệnh diễn tiến nặng nên dù giữ được mạng sống song cháu Y.P. bị yếu hai chân, nguy cơ liệt, tinh thần không tỉnh táo, nói năng lan man. Chị H’R. Byă, mẹ của Y. P. cho biết khi thấy con sốt cao, đau đầu, gia đình đã tự đi mua thuốc về chữa nhưng không khỏi. Trước đó, Y. P. chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm màng não.

 

“Ngoài dấu hiệu chung là sốt cao, tùy vào từng độ tuổi, bệnh viêm màng não còn các dấu hiệu điển hình khác nhau. Ví dụ ở trẻ sơ sinh, sẽ có dấu hiệu khóc thét, nôn vọt, tức là ăn vào nôn ngay. Ở những trẻ còn thóp trên đầu thì thóp phồng lên, nếu nặng hơn thì có thể co giật. Ở trẻ lớn hơn, có thể thêm dấu hiệu đau đầu, gáy cứng, cúi đầu không được, sợ ánh sáng…”.

 
Bác sĩ Trần Thị Thúy Minh

Một trường hợp viêm màng não khác cũng đang điều trị tại Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) là cháu Đỗ Minh S. (10 tuổi, ở huyện Krông Ana). Người nhà bệnh nhi cho biết, trước đó cháu kêu đau đầu, sốt cao liên tục, gia đình đã tự mua thuốc về uống nhưng sau 4 ngày vẫn không có dấu hiệu đỡ mới đưa cháu đến bệnh viện khám. Sau vài ngày điều trị, tình trạng bệnh của cháu có tiến triển nhưng chậm, cháu vẫn còn sốt và li bì.

Gia đình hai bệnh nhi nói trên đều không hiểu gì về bệnh viêm màng não, cũng không biết con mình đã được tiêm vắc xin phòng căn bệnh này hay chưa. Đây là thực tế rất đáng lo ngại bởi viêm màng não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao trong khi bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh có thể lây từ người sang người thông qua giọt bắn, nước bọt khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Vi khuẩn gây viêm màng não cũng có thể lây qua đồ chơi dùng chung, nếu trẻ chơi và đưa tay vào miệng. Do vậy những môi trường tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học có nguy cơ cao khiến bệnh lây lan.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh (Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm màng não dễ khiến các bậc phụ huynh nhầm lẫn với các bệnh cảm sốt thông thường khác nên hầu hết các trường hợp nhập viện đều nặng. Để phòng bệnh viêm màng não do vi khuẩn, bác sĩ Minh khuyến cáo: Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đủ liều, đúng lịch các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc xin phòng viêm màng não do vi khuẩn phế cầu, do vi khuẩn HIB. Viêm màng não thường do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ nhiều con đường như đường họng, tiêu hóa, tai nên để phòng bệnh viêm màng não thứ phát, cần giữ cho trẻ không bị viêm họng, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp… Đồng thời, cần cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, có một cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng để phòng tránh bệnh tật.

Thu Huế

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.