Multimedia Đọc Báo in

Quản lý vật nuôi để phòng bệnh dại

09:09, 04/05/2020

Tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn phổ biến tình trạng người dân nuôi chó nhưng không quản lý, thả rông trong khu dân cư, ngoài đường... Việc này rất nguy hiểm bởi không quản lý vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, vật nuôi cắn, gây thương tích cho người đi đường, thậm chí cho chính những chủ nhân.

Thực tế, không ít hộ dân nuôi chó, mèo nhưng chưa chú ý đến những mối nguy mà vật nuôi có thể gây ra. Có những hộ nuôi nhiều chó nhưng không bao giờ nhốt trong nhà với lý do nhà hẹp, phóng uế hôi nhà; thậm chí còn quan niệm nuôi nhốt, xích chó sẽ khiến chúng trở nên hung dữ. Thậm chí, một số người còn chở chó, mèo đi dạo phố bằng xe máy mà không xích, không đeo rọ mõm. Đặc biệt, nhiều người chưa chú trọng đến việc tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Những con chó, mèo thả rông không chỉ cắn, lây bệnh dại cho người, gây mất an toàn giao thông mà chúng còn phóng uế ra đường, bới các bao rác và tha đi nhiều nơi làm mất vệ sinh môi trường.

Bức xúc với nhiều hộ nuôi chó thả rông, ông Lê Văn Phương (trú phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: Để hạn chế nguy cơ chó tấn công người và gây ô nhiễm môi trường, nên cấm tuyệt đối việc thả chó ra nơi công cộng mà không mang xích và đeo rọ mõm, bởi đã có nhiều vụ tai nạn thương tâm do những con chó thả rông gây ra. Do cùng sống trong khu dân cư nên người dân ngại nhắc nhở hàng xóm nuôi chó thả rông, hơn nữa hiện nay mức chế tài xử phạt đối với hộ gia đình nuôi chó để thả rông ra đường vẫn còn quá thấp.

Chó thả rông và không đeo rọ mõm sẽ rất nguy hiểm  cho cộng đồng. Ảnh: Trần Lan
Chó thả rông và không đeo rọ mõm sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng. Ảnh: Trần Lan

Thống kê từ các cơ quan chức năng của tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có khoảng hơn 400.000 con chó song trung bình mỗi năm chỉ tiêm được trên 50.000 liều vắc xin. Tỷ lệ đàn chó nuôi được tiêm phòng thấp, tâm lý thờ ơ, chủ quan của người dân với bệnh dại thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Mỗi năm có khoảng 4.000 ca bị chó dại cắn phải đến các cơ sở y tế để tiêm phòng.

Bác sĩ CKI Trần Kim Long, phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, bệnh dại có thể gây tử vong nếu không được tiêm phòng kịp thời. Cách phòng bệnh tốt nhất là không để bị chó, mèo cắn. Nếu bị chó, mèo cắn nên rửa nhanh vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị chó, mèo cắn dài, ngắn phụ thuộc vào cơ địa của từng người, nên đi tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Đối với những vết thương chó cắn ở vị trí nguy hiểm (đầu, mặt, ngực, đầu ngón tay, ngón chân) cần đi tiêm phòng sớm. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường vào cuộc tuyên truyền cho người dân những quy định về nuôi, nhốt chó, mèo. Quan trọng hơn, để không còn những vụ việc đau lòng do chó, mèo cắn, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức trong việc nuôi và quản lý chó, mèo góp phần đảm bảo an toàn cho mình, người thân và xã hội.

Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã quy định rõ hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng, không tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho động vật sẽ bị xử phạt từ 600.000 – 800.000 đồng; trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại.
Võ Quỳnh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.