Nan giải tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng
Đã 7 năm trôi qua kể từ khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam có hiệu lực. Luật có quy định cụ thể về khu vực công cộng không được hút thuốc lá; tuy nhiên, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn còn phổ biến; nhiều người vẫn không chấp hành luật và “ngang nhiên” hút thuốc lá nơi công cộng.
Các bến xe là một trong những nơi có thể bắt gặp nhiều người hút thuốc lá nhất. Bến xe phía Nam TP. Buôn Ma Thuột là địa điểm công cộng thường tập trung rất đông người; các biển báo cấm hút thuốc lá được dán khắp nơi, tại những vị trí dễ nhìn thấy, song vẫn thấy người hút thuốc lá xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, từ ngoài cổng đến phòng đợi, nhà chờ của bến xe, đâu đâu cũng có người hút thuốc lá. Anh Trương Công Hòa (ở huyện Cư M’gar), một hành khách chờ xe cho biết: “Tôi cũng “nghiện” thuốc lá từ nhiều năm nay nhưng khi đến nơi công cộng tôi hạn chế hút vì sợ ảnh hưởng đến mọi người. Thế nhưng, khi đến bến xe tôi thấy mọi người hút thuốc lá nhiều quá. Theo tôi nghĩ, muốn mọi người không hút thuốc lá, Ban quản lý bến xe phải thường xuyên nhắc nhở, kiên quyết ngăn chặn thì người dân mới chấp hành”.
Nhiều người vẫn ngang nhiên hút thuốc lá nơi công cộng (Ảnh chụp tại một quán cà phê trong Công viên Phù Đổng, TP. Buôn Ma Thuột). |
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, mặc dù biển cấm hút thuốc lá treo ở nhiều nơi, từ hành lang bệnh viện đến trước phòng bệnh nhưng nhiều người vẫn hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Đang chăm sóc người nhà điều trị tại Khoa Ung bướu, bà Trần Thị Hồng (huyện Ea H’leo) phàn nàn: “Bệnh viện là nơi chăm sóc, điều trị người sức khỏe yếu, đang bị bệnh, rất đông người già, trẻ nhỏ nhưng không hiểu sao nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá ở đây?”. Ông Vũ Đức Quý (TP. Buôn Ma Thuột) cũng bức xúc: “Bình thường hút thuốc lá nơi công cộng đã là không lịch sự nhưng đến cả bệnh viện mà vẫn hút thì quả là vô ý thức quá!".
Ngay tại điểm vui chơi thiếu nhi Bibi (trong khuôn viên Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh), đáng buồn thay, nhiều người lớn cũng vô tư “nhả” khói thuốc lá. Thường xuyên đưa con đến chơi, chị Trần Thị Thanh Mai (ở phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) bày tỏ: “Có rất nhiều người thiếu ý thức, hút thuốc lá ngay cả khi xung quanh có rất nhiều trẻ nhỏ đang vui chơi. Mùi và khói thuốc lá khắp nơi khiến tôi cảm thấy rất ngột ngạt. Vậy mà tôi chưa thấy người quản lý tại khu vui chơi lên tiếng nhắc nhở hành vi này”.
Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, người hút thuốc lá ở những địa điểm cấm hút thuốc lá sẽ bị cảnh cáo hoặc xử phạt tiền từ 100.000 – 300.000 đồng/người. Địa điểm công cộng cấm hút thuốc lá bao gồm: Cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy nổ, nơi làm việc, nhà đợi xe, bến cảng, sân bay, thư viện, phương tiện giao thông công cộng… Quy định là vậy, nhưng trong thực tế, nhiều người vẫn hút thuốc lá tại những nơi bị cấm. Điều đáng nói là những hành vi này hầu như chưa bị xử lý.
Mặt khác, dù Quyết định 1315/QĐ-TTg ngày 21-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá quy định: tại những nơi công cộng trong nhà như phòng đợi của nhà ga, bến xe, các khu vui chơi giải trí trong nhà khách chỉ được phép hút thuốc lá tại nơi quy định dành riêng cho người hút thuốc lá song theo ghi nhận, hầu hết các địa điểm, cơ sở nói trên ở tỉnh ta đều chưa bố trí các khu vực dành riêng cho người hút thuốc.
Theo thống kê, tại Việt Nam mỗi năm có 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá, gấp 3 lần số người chết so với tai nạn giao thông. Một điều tra cho thấy có 60% trẻ em Việt Nam ở độ tuổi từ 13 - 15 đã tiếp xúc với khói thuốc lá tại nhà. Đây là những con số cho thấy tính nguy hại của thuốc lá và sự ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ tương lai. Để góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, thiết nghĩ ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, các ngành chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này; đồng thời cần đưa ra quy định cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý, kiểm tra xử phạt về hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Nên chăng có biện pháp và thực hiện quyết liệt giống như Luật Giao thông đường bộ hoặc Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia như thời gian vừa qua? Thiết nghĩ, điều này sẽ giúp quy định của pháp luật đi vào thực tế cuộc sống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước các hành vi thiếu ý thức của người hút thuốc nơi công cộng.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã quy định rõ mức độ xử phạt song việc phân công trách nhiệm, thi hành kiểm tra và xử phạt của các cơ quan, đơn vị chức năng chưa rõ ràng; chưa có chế tài cụ thể để xử phạt nên việc thực thi luật rất khó khăn, chưa đủ sức răn đe người vi phạm. |
Mỹ Hạnh - Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc