Sự cần thiết bổ sung vitamin A cho trẻ
Vitamin A là một trong 3 loại vi chất (iốt, vitamin A, sắt) có vai trò quan trọng đối với trẻ nhỏ, giúp trẻ tăng trưởng, phát triển thể chất và tinh thần, phòng tránh các bệnh viêm nhiễm.
Thiếu vitamin A gây ra một số bệnh nghiêm trọng ở trẻ em như: mù lòa, tiêu chảy, chậm phát triển, nguy cơ gây thấp còi và mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Phan Thị Minh (phụ trách Khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) cho biết: Vitamin A là một loại vitamin tan trong dầu, có vai trò quan trọng trong cơ thể con người. Đặc biệt là đối với trẻ em như: chống nhiễm trùng, trong quá trình quan sát cảm nhận thị giác, phát triển biểu mô, tăng trưởng, hình thành các niêm mạc. Ngoài ra, bổ sung đầy đủ vitamin A còn giúp trẻ tránh tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi; giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch, tăng sức đề kháng với bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng nặng như: sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp…
Vitamin A là vi chất dinh dưỡng cần được bổ sung hằng ngày thông qua thực phẩm chứa nhiều vitamin A như: Gan, lòng đỏ trứng, bơ, sữa, pho mát, rau muống, rau ngót, rau cải canh, bí đỏ, cà rốt, xoài… với lượng rất nhỏ nhưng lại rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
Bác sĩ ở Trạm Y tế xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) cho trẻ uống bổ sung vitamin A. |
Đối với trẻ đang trong thời kỳ bú mẹ, thì nguồn vitamin A là trong sữa mẹ, vì vậy trong thời kỳ này người mẹ nên bổ sung thức ăn chứa nhiều vitamin A như trứng, sữa, rau xanh… Trẻ không được bú mẹ thì nguy cơ thiếu vitamin A càng cao. Trẻ được cho ăn dặm quá sớm, chế độ ăn dặm thiếu rau, đạm và dầu mỡ cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hoá vitamin A. Đặc biệt ở trẻ dưới 3 tuổi dễ thiếu vitamin A, vì trẻ đang trong giai đoạn lớn nhanh, cần nhiều vitamin A. Ở tuổi này, chế độ nuôi dưỡng thay đổi từ cai sữa sang ăn dặm và ăn bổ sung nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, nguy cơ thiếu vitamin A cao. Thiếu hụt vitamin A không chỉ gây khô mắt dẫn tới mù loà, mà còn làm giảm sự tăng trưởng của trẻ và tăng nguy cơ bệnh tật và có thể gây tử vong.
Khi trẻ ăn uống, nguồn vitamin A sẽ được dự trữ trong cơ thể (gan) để đáp ứng cho nhu cầu phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, những trường hợp trẻ không được cung cấp đủ nguồn vitamin A từ bữa ăn hằng ngày thì cần phải bổ sung. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 300.000 trẻ được bổ sung vitamin A mỗi năm theo chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng của Bộ Y tế.
Vitamin A chỉ tan trong dầu nên cần cho trẻ ăn đủ chất béo mỗi ngày. Mỗi bữa ăn của trẻ cần có từ 1-2 thìa cà phê dầu ăn để đảm bảo lượng chất béo cần thiết mỗi ngày. Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không cai sữa sớm. Đối với các bà mẹ đang mang thai hay trong thời gian cho con bú, nên đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, ưu tiên chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin A để tạo nguồn sữa mẹ tốt cho trẻ. Bên cạnh đó, tham gia đầy đủ các chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ hằng năm theo chương trình của Bộ Y tế.
Trẻ thiếu vitamin A có biểu hiện như: mệt mỏi, kém ăn, chậm lớn, da khô, tóc dễ rụng, thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa, viêm phế quản, viêm mũi họng…; các tổn thương về mắt như quáng gà, khô kết mạc… trẻ có biểu hiện như hay chớp mắt, sợ ánh sáng, chói mắt, hay nheo mắt… |
Phượng Vũ
Ý kiến bạn đọc