Multimedia Đọc Báo in

Bệnh dại - mối nguy hiểm cận kề

14:20, 21/08/2020

Trong khi dịch bệnh Covid-19, bạch hầu đang hoành hành, thì bệnh dại cũng là một vấn đề đáng lo ngại không kém trên địa bàn tỉnh bởi số người mắc và tử vong tăng cao, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho đàn chó lại rất thấp…

Ðã mắc là tử vong

Ngày 30-6, bệnh nhân T.V.T., sinh năm 1973, ở buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông xuất hiện các triệu chứng đau đầu, tức ngực, khó thở, sợ nước, sợ gió, ăn uống khó, nuốt nghẹn. Sau đó, bệnh nhân được gia đình đưa đến cơ sở y tế khám và được chẩn đoán bệnh dại lên cơn. Đến ngày 4-7, các triệu chứng bệnh tăng nặng, bệnh nhân tử vong. Qua điều tra của ngành Y tế, khoảng tháng 2-2020, bệnh nhân bị chó chạy rông trong buôn cắn vào chân, nhưng không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dại đối với người bị chó, mèo cào, cắn. (Ảnh minh họa)
Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh dại đối với người bị chó, mèo cào, cắn. (Ảnh minh họa)


Bệnh nhân T. là một trong số 6 trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Con số này đã tăng gấp 1,5 lần so với năm 2019 và đang có nguy cơ tăng thêm khi phần lớn người dân vẫn còn chủ quan trong phòng tránh. Trên thực tế, bệnh dại lây lan qua vết cắn từ động vật bị nhiễm bệnh. Nó cũng có thể lây lan nếu nước bọt của động vật mắc dại tiếp xúc trực tiếp với mắt, mũi, miệng hoặc vết thương hở của người (như vết xước hoặc vết trầy xước). Sau khi người bị động vật dại cắn, thời gian ủ bệnh từ 2 tuần đến 1-2 năm (trung bình khoảng 2 tháng). Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể, mức độ nặng nhẹ của vết thương, khoảng cách xa gần từ vết thương đến não bộ. Vết thương nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, “đoạn đường” di chuyển của vi rút lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

 

Ngay khi bị nhiễm vi rút, triệu chứng đầu tiên của người bệnh là đau đầu, sốt, mệt mỏi, cảm giác tê và đau ngay tại vết thương. Khi vi rút xâm nhập sâu vào não bộ (thể viêm màng não), người bệnh bắt đầu có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, hạ huyết áp. Bệnh tiến triển tăng đến mức người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống trở nên cực kỳ khó khăn và tử vong trong vòng một tuần kể từ ngày phát bệnh.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thống kê trong vòng 10 năm qua cho thấy, bệnh dại chiếm 40% trong tổng số ca tử vong do các bệnh truyền nhiễm. Cái khó với phòng chống bệnh dại hiện nay là thói quen của người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn nuôi chó, mèo thả rông. Khi các con vật này cào, cắn người thì nhiều người lại chủ quan không tiêm vắc xin phòng dại, mà người đã xuất hiện bệnh dại thì 100% đều tử vong.

Tiêm vắc xin – phòng bệnh hiệu quả

Trên thực tế, nguồn mang bệnh dại chủ yếu là chó (90%), mèo (5%). Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, cào, liếm của chó, mèo. Hiện tại, thời tiết mùa hè đang là thời điểm thuận lợi để bệnh dại phát triển, nếu không dự phòng tốt thì nguy cơ bùng phát bệnh dại trên địa bàn tỉnh là rất lớn.

Khi bị chó cắn, người dân không được chủ quan mà phải thực hiện ngay việc rửa vết thương với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường khác dưới vòi nước chảy liên tục trong khoảng 10-15 phút. Ðây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để phòng bệnh dại. Sau đó, phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời.


Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí chia sẻ: Để kiểm soát được bệnh dại, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với ngành Thú y. Bởi, chỉ khi cắt đứt được lây truyền bệnh dại trong quần thể động vật, bắt buộc tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại ở vật nuôi (chó, mèo) phải đạt được 70-80% tổng đàn, lúc đó mới kiểm soát được bệnh dại trên người.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là mặc dù cán bộ y tế, thú y liên tục tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại và vận động người dân tham gia tiêm phòng dại cho chó, mèo nhưng đa số người dân vẫn rất chủ quan, thờ ơ, không thực hiện. Vì vậy, tỷ lệ đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh được tiêm phòng bệnh dại rất thấp. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh, hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng đàn chó trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 30,2%.

Để phòng chống bệnh dại một cách hiệu quả, tránh được những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân cần chủ động tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y. Đây còn là biện pháp phòng bệnh dại hữu hiệu và tiết kiệm nhất ở người, bởi một mũi tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo chỉ khoảng hơn 20.000 đồng, trong khi chi phí cho mỗi liều vắc xin phòng dại ở người (gồm 5 mũi tiêm) hết khoảng 1-1,5 triệu đồng (chưa kể trong trường hợp khẩn cấp phải tiêm kháng huyết thanh thì chi phí này sẽ tốn kém hơn nhiều).

Bùi Phạm Lê

 

 


Ý kiến bạn đọc