Nỗ lực vượt nguy cơ "kép"
10:55, 05/08/2020
Trong khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khó lường thì dịch bạch hầu cũng phức tạp không kém khi mà số ca mắc mới không ngừng tăng lên trong những ngày qua. Ngành y tế đang nỗ lực ứng phó với nguy cơ "kép".
Số ca bệnh Covid-19, bạch hầu tiếp tục tăng
Kể từ ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào ngày 29-7, đến nay toàn tỉnh đã có 3 trường hợp mắc Covid-19 (gồm các ca bệnh số 448, 601 và 602). Cùng với đó, số người tiếp xúc gần với các ca bệnh và người trở về từ vùng dịch liên tục gia tăng.
Tính đến trưa ngày 4-8, toàn tỉnh đã có 86 trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh; 314 trường hợp F1, F2 và người trở về từ vùng dịch cách ly tại Trung tâm cách ly tập trung của tỉnh và trên 9.900 trường hợp trở về từ vùng dịch tự cách ly tại nhà. Đáng nói, nhiều trường hợp tiếp xúc gần (F1) với ca bệnh 601, 602 vẫn đang ở trong cộng đồng, ngành y tế đang truy vết.
Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường thì dịch bạch hầu trên địa bàn tỉnh cũng phức tạp không kém. Đến trưa 4-8, toàn tỉnh đã có 29 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại 12 xã của 5 huyện, gồm: Lắk, M’Đrắk, Krông Bông, Cư M’gar, Cư Kuin. Trong đó Krông Bông là địa phương có nhiều ca bệnh nhất với 11 trường hợp.
Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho thấy, tính từ đầu tháng 7-2020 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận cách ly điều trị 62 trường hợp, trong đó có 24 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu và 38 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh. Trong số 24 trường hợp dương tính, có 3 trường hợp bệnh chuyển biến nặng, biến chứng viêm cơ tim, có bệnh lý nền suy thận.
Theo bác sĩ Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bạch hầu từng được xem là căn bệnh đã được khống chế hoàn toàn, không còn xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên việc xuất hiện bệnh trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân, trong đó lý do quan trọng nhất là một số trẻ em ở vùng sâu vùng xa không tiêm vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh bạch hầu đối với trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh tại buôn Diêo, xã Bông Krang, huyện Lắk. |
Do nhiều năm không xuất hiện, nên khi bệnh bạch hầu quay lại thì hệ thống y tế cũng gặp một số khó khăn, đó là: kinh nghiệm điều trị bệnh đã bị mai một, thậm chí nhiều sinh viên y khoa tại các trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh chưa bao giờ thấy bệnh bạch hầu nên kinh nghiệm khám, phát hiện, điều trị và cảnh giác để phát hiện bệnh ngay từ đầu còn hạn chế; thuốc điều trị bạch hầu cơ bản rẻ tiền và sẵn có, nhưng khi bệnh nhân diễn tiến nặng thì cần có kháng độc tố bạch hầu (SAD) để điều trị. Tuy nhiên, sau nhiều năm khống chế thành công bệnh bạch hầu, các công ty dược hầu như không nhập SAD nên khi dịch xảy ra kéo theo tình trạng thiếu SAD trong điều trị.
Quả thực, cùng một thời điểm lại xảy ra 2 dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của ngành y tế, đặc biệt cả 2 dịch bệnh này đều đòi hỏi phải có nguồn nhân lực dồi dào để khoanh vùng, cách ly kịp thời, tránh lây lan rộng.
Ngành y vượt khó
Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, nhận định tình hình dịch bệnh hiện tại khá phức tạp và sẽ còn diễn biến khó lường, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh kích hoạt ngay Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và triển khai đến tận thôn, buôn, tổ dân phố, nhất là tổ giám sát cộng đồng, để cùng ngành y tế ứng phó, khoanh vùng cách ly kịp thời ca bệnh và truy vết các đối tượng tiếp xúc gần với người bệnh.
Để giải quyết bài toán nhân lực cho công tác chống dịch, Sở Y tế đã ra văn bản kêu gọi tất cả nhân viên y tế trong và ngoài công lập, giảng viên, sinh viên Y của các trường đại học trên địa bàn tỉnh tích cực chung tay cùng ngành y tế chống dịch. Chỉ sau một ngày, đã có trên 330 người là giảng viên, sinh viên của các trường: Đại học Buôn Ma Thuột, Đại học Tây Nguyên, Cao đẳng Y tế Đắk Lắk đăng ký tham gia. Họ sẽ được Sở Y tế tập huấn chuyên môn và chia thành nhiều tổ, nhóm để tăng cường cho các khu cách ly cũng như phối hợp với ngành y tế trong công tác tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu.
Đến trưa 4-8, ngành y tế đã xác định được trên 300 trường hợp có tiếp xúc gần với 2 ca bệnh Covid-19 số 601 và 602. Tất cả các trường hợp này đã được cách ly, theo dõi tại các cơ sở y tế và cơ sở cách ly tập trung, trong đó nhiều người đã có kết quả xét nghiệm lần đầu âm tính với Sars-CoV-2.
|
Bên cạnh đó, để giảm tải cho Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh trong công tác tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc và nghi mắc Covid-19, Sở Y tế đã trưng dụng Trung tâm Y tế huyện Krông Búk và Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (huyện Ea Kar) thành 2 cơ sở cách ly tập trung đối với các trường hợp F1, F2 liên quan đến Covid-19.
Theo đó công tác tiếp đón, khám chữa bệnh ở 2 cơ sở này sẽ được chuyển sang các địa bàn lân cận, thay vào đó là hoạt động tiếp nhận, điều trị các trường hợp F1, F2 và được phân chia địa bàn cụ thể: Trung tâm Y tế huyện Krông Búk tiếp nhận cách ly các trường hợp F1, F2 của huyện Ea H’leo, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ; Bệnh viện 333 tiếp nhận cách ly các trường hợp F1, F2 ở các địa phương M’Đrắk, Ea Kar, Krông Pắc, Cư M’gar; Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tiếp nhận những người cách ly của TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Bông và điều trị các trường hợp dương tính với Sars-CoV-2 (F0).
Đối với dịch bệnh bạch hầu, ngoài việc tổ chức tiêm vắc xin TD phòng bệnh theo Chiến dịch tiêm chủng của Bộ Y tế, ngành y tế tỉnh còn triển khai cho người dân các vùng có dịch uống thêm kháng sinh dự phòng, thực hiện ngay việc khử khuẩn, vệ sinh môi trường, khoanh vùng, giám sát ổ dịch để hạn chế mức độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Trong công tác điều trị, tập trung phát hiện, điều trị triệu chứng. Với những trường hợp nặng hội chẩn ngay với tổ công tác do Bộ Y tế tăng cường để có phương án điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.
Hoàng Kim Ngọc
Ý kiến bạn đọc