Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Tâm thần tỉnh: Chú trọng phục hồi chức năng tâm lý cho bệnh nhân

11:24, 25/10/2020

Từ năm 2019 đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận và điều trị cho hơn 29.820 lượt bệnh nhân tâm thần. Trong đó, riêng Khoa Phục hồi chức năng năm 2019 đã tiếp nhận và điều trị cho 852 lượt bệnh nhân và từ đầu năm 2020 đến nay tiếp tục điều trị cho gần 500 lượt bệnh nhân.

Bên cạnh tích cực điều trị giúp bệnh nhân giảm bớt hoặc mất đi các triệu chứng bệnh lý, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn chú trọng giúp các bệnh nhân phục hồi chức năng tâm lý bằng nhiều hình thức nhằm giúp các bệnh nhân khi khỏi bệnh có thể tự tin vào bản thân, hòa nhập với cuộc sống sinh hoạt, lao động hằng ngày.

Hiện nay, đều đặn vào các ngày thứ ba, tư, năm hằng tuần, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận điều trị phục hồi chức năng tâm lý cho các bệnh nhân đã được điều trị bệnh tương đối ổn định. Tại khoa, các bệnh nhân sẽ được điều trị phục hồi chức năng bằng liệu pháp âm nhạc và lao động. Với liệu pháp âm nhạc, các bệnh nhân sẽ được hát karaoke, nghe nhạc, học những bài hát đơn giản... Qua đó giúp các bệnh nhân được thoải mái thể hiện các ca khúc mình yêu thích, tạo sự mạnh dạn trong tiếp xúc với mọi người, tinh thần cởi mở, vui vẻ hơn. Với liệu pháp lao động, các bệnh nhân sẽ tham gia các hoạt động dọn dẹp vệ sinh, nhổ cỏ, trồng rau… Qua đó, giúp người bệnh phát huy khả năng hoạt động, hướng suy nghĩ vào công việc, quên các cảm giác khó chịu do tình trạng ảo giác và hoang tưởng gây ra, bệnh nhân tự tin vào bản thân, xóa bỏ mặc cảm, ăn ngon và ngủ yên hơn.

Bệnh nhân tâm thần được xoa bóp vật lý trị liệu. Ảnh: Đình Thi
Bệnh nhân tâm thần được xoa bóp vật lý trị liệu. Ảnh: Đình Thi

Là người trực tiếp giúp đỡ các bệnh nhân tham gia phục hồi chức năng, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Phương cho biết: Đặc điểm lâm sàng cơ bản nhất của bệnh nhân tâm thần là sự tách dần khỏi cuộc sống, thu mình vào thế giới nội tâm, mất dần các kỹ năng và giao tiếp xã hội. Phần khó khăn nhất trong điều trị bệnh tâm thần là làm sao giúp người bệnh có thể sống một cuộc sống tương đối bình thường sau khi khỏi bệnh.

Trái với những thay đổi mau chóng và rõ rệt trong việc dùng thuốc điều trị, việc phục hồi sinh hoạt cho người bệnh chỉ đem lại những thay đổi chậm và nhỏ. Chị Phương nhấn mạnh, gia đình nên động viên, khuyến khích, biểu dương, khen ngợi khi người bệnh làm được một việc tốt để họ vẫn cảm thấy rằng bản thân mình được yêu mến, sống có ích. Trong sinh hoạt hằng ngày, gia đình cần giúp đỡ và hướng dẫn người bệnh thực hiện được những công việc thông thường, biết tự chăm sóc bản thân, có thể làm được những việc đơn giản như tắm giặt, vệ sinh cá nhân, gấp chăn màn, quần áo, quét nhà, thu xếp, dọn dẹp gọn gàng nơi ở của họ...; không nên để bệnh nhân ở trong tình trạng thụ động, cần giúp đỡ.

Bệnh nhân tâm thần được thực hiện liệu pháp âm nhạc trong điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: Đình Thi
Bệnh nhân tâm thần được thực hiện liệu pháp âm nhạc trong điều trị phục hồi chức năng tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: Đình Thi

Ngoài việc chú trọng phục hồi chức năng cho các bệnh nhân tâm thần, Bệnh viện Tâm thần tỉnh còn triển khai phương pháp vật lý trị liệu cho bệnh nhân. Theo y sĩ Thái Quốc Hòa, phụ trách vật lý trị liệu ở Khoa Phục hồi chức năng, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, có không ít bệnh nhân bị stress, mất ngủ, đi lại khó khăn hoặc sảng rượu… Để giúp các bệnh nhân này hồi phục sức khỏe, bệnh viện áp dụng các liệu pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… giúp bệnh nhân thư giãn, ngủ ngon hơn, hạn chế các cơn sảng, qua đó góp phần giúp họ nhanh chóng hồi phục, sớm hòa nhập với cộng đồng.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.