Chủ động các biện pháp giảm sự lây lan của bệnh tay chân miệng
Trong những ngày qua, bệnh tay chân miệng (TCM) đang gia tăng nhanh chóng trên địa bàn tỉnh và có nguy cơ lây lan rộng nếu không triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch kịp thời. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về nội dung này.
* Bệnh TCM trên địa bàn đang diễn biến ra sao, thưa bác sĩ?
Dịch bệnh TCM trên địa bàn tỉnh đang diễn biến khá phức tạp. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 691 trường hợp mắc bệnh. Số ca bệnh xuất hiện tại 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó một số địa phương có số ca mắc tăng cao như Cư M'gar (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ), Buôn Đôn, Krông Pắc (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ). Đặc biệt, từ thời điểm bắt đầu năm học mới, bệnh có xu hướng tăng mạnh hơn. Trong 8 tháng đầu năm số ca bệnh tăng từ từ, nhưng từ đầu tháng 9 đến nay có dấu hiệu tăng nhanh. Chỉ tính trong 3 tuần gần đây, mỗi tuần tỉnh ta ghi nhận từ 60-88 ca bệnh, tăng gấp đôi so với những tuần trước đó và đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do chủng vi rút Enterovirus 71 (EV71) - có thể bị các biến chứng như thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trả lời phỏng vấn của các phóng viên. |
* Bác sĩ có thể lý giải nguyên nhân việc gia tăng nhanh số ca bệnh TCM tại một số địa phương trong những ngày qua?
Bệnh TCM xuất hiện rải rác quanh năm, thường tập trung vào thời điểm từ tháng 8 đến hết tháng 12. Do đó, ở thời điểm hiện tại đang là giai đoạn đỉnh dịch của năm, cộng thêm việc học sinh mới quay trở lại trường sau thời gian dài nghỉ hè là nguyên nhân khiến cho bệnh TCM tăng nhanh trong những ngày qua. Bởi trên thực tế, khi trẻ ở nhà với cha mẹ, vấn đề vệ sinh cá nhân sẽ được thực hiện tốt hơn, tỷ lệ mắc bệnh sẽ ít. Còn khi trẻ đi học, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi học tập, vui chơi không thể đảm bảo được như ở nhà. Hơn nữa khi một trẻ bị mắc bệnh không được phát hiện mà đến trường thì việc lây lan cho các trẻ khác là khó tránh khỏi.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. |
* Ngành Y tế có biện pháp gì để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh TCM, thưa bác sĩ?
Để khống chế các ca bệnh TCM và không để bệnh lây lan rộng, bên cạnh việc tăng cường giám sát, truyền thông về dịch bệnh, ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh như: cung cấp kỹ năng phòng chống dịch bệnh TCM cho cán bộ y tế; tập huấn kỹ thuật xử lý ổ dịch cho tất cả cán bộ làm công tác chuyên môn; cử cán bộ y tế theo dõi, kiểm tra, giám sát cơ sở để phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời các ổ dịch, ca bệnh mới phát sinh. Đồng thời, ngành y tế cũng phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục trong việc hướng dẫn, giám sát các trường học triển khai công tác phòng chống bệnh TCM. Một số trường học chưa triển khai đồng bộ các biện pháp phòng bệnh như thiếu nước sạch, xà phòng rửa tay, cán bộ y tế học đường chưa làm tốt nhiệm vụ theo dõi, đánh giá trẻ bị sốt, bị TCM đều được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Với quan điểm tất cả các ổ dịch nhỏ hoặc địa phương có ổ dịch phải xử lý triệt để ngay, ngành y tế đã và đang chỉ đạo sát sao công tác phòng chống bệnh TCM.
*Bác sĩ có lời khuyên gì đối với người dân để phòng chống dịch TCM?
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh TCM, người dân cần thực hiện: rửa tay thường xuyên nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Đồng thời thực hiện tốt vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng); thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, mặt bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (sốt cao, hay giật mình, quấy khóc, bỏ ăn, nổi mụn nước quanh miệng) cần đưa trẻ đi khám bệnh hoặc thông báo cho cơ sở y tế gần nhất.
Kim Hoàng (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc