Những người "gác cửa" nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19
Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát, lịch làm việc của các cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cũng dày đặc.
Sẵn sàng có mặt ở những điểm nóng nhất để khoanh vùng, xử lý ổ dịch; tiếp cận các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, F1, F2 để lấy mẫu; hay thức thâu đêm túc trực bên máy xét nghiệm để có kết quả sớm nhất… nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan trên địa bàn, họ được ví là những người “gác cửa” trên mặt trận phòng chống dịch Covid-19.
Thành viên đội cơ động phản ứng nhanh của CDC lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người trở về từ vùng dịch. |
Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, trong công tác phòng chống dịch Covid-19, CDC là đơn vị thường trực tham mưu cho Sở Y tế và trực tiếp triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn; chủ động phối hợp với quân đội, công an, các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh vì sức khỏe cộng đồng.
|
Đã nhiều ngày nay, chị Trần Thị Nguyên Hằng, nhân viên Khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng của CDC không có ngày nghỉ và cũng không thường xuyên về nhà, có về cũng chỉ nắm bắt tình hình cuộc sống của các thành viên trong gia đình rồi lại đi... Bởi từ khi làn sóng dịch Covid-19 thứ ba bùng phát lại trúng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, người dân từ các địa phương có dịch về tỉnh rất đông, trong đó có nhiều trường hợp cần được xét nghiệm xác định SARS-CoV-2, khối lượng công việc của chị và các đồng nghiệp cũng tăng lên nhiều lần. Chị Hằng chia sẻ: "Bất kể là sáng hay tối, khi có chỉ định lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp trở về từ vùng dịch, chúng tôi đều phải lấy mẫu xét nghiệm ngay, trả lời ngay trong vòng 24 giờ để đáp ứng công tác phòng chống hoặc cách ly nếu có trường hợp nghi nhiễm. Vì thế, toàn bộ anh chị em trong đội lấy mẫu, xét nghiệm đều phải gạt hết công việc gia đình, không còn nghĩ đến nghỉ Tết để tập trung vào công việc chuyên môn".
Không chỉ chị Hằng, tại CDC, ngay từ những ngày đầu trong trận chiến chống “giặc” Covid-19, 100% cán bộ, bác sĩ, nhân viên đã thực hiện nhiệm vụ trực thường xuyên và có mặt ngay khi công việc yêu cầu. Trung tâm đã thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh, sẵn sàng có mặt và lên đường bất kỳ lúc nào khi có thông tin về trường hợp liên quan tới dịch Covid-19. Là một trong số các thành viên của đội cơ động phản ứng nhanh, chị Trương Thị Thúy Hằng, nhân viên Khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng luôn ở trong tâm thế sẵn sàng, phản ứng nhanh nhạy, không kể thời gian khi có lệnh điều động của cấp trên. Chị cho hay, khi có sự điều động của lãnh đạo khoa, dù đang trong phiên trực hay đang ở nhà, họ đều phải nhanh chóng sắp xếp công việc, có mặt tại cơ quan trong vòng 30 phút để lên đường đi lấy mẫu. Với hai công việc song song, vừa nằm trong đội cơ động phản ứng nhanh, vừa làm công việc thường xuyên của mình, tuy cũng có một chút khó khăn nhưng anh chị em trong khoa luôn hỗ trợ lẫn nhau. Từ những đợt dịch trước (xảy ra vào tháng 3, tháng 4 và tháng 8, tháng 9 năm 2020) hay đợt dịch này, chị cùng các đồng nghiệp thường xuyên làm việc đến 8 - 9 giờ tối. Suốt ngày ẩn mình trong bộ quần áo chống dịch vừa kín mít vừa nặng, khẩu trang chặt, mắt kính mỏi nhừ..., bữa ăn đôi lúc cũng rất vội vàng khi cơm canh đã nguội, lại thường xuyên đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, song anh chị em vẫn luôn động viên nhau cố gắng vì bản thân, vì gia đình và cả cộng đồng.
Nhân viên Khoa Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng của CDC miệt mài trong phòng thí nghiệm để cho ra kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 kịp thời và chính xác nhất. |
Có thể thấy, đội ngũ những người làm công tác y tế dự phòng luôn đi đầu trong “trận chiến” chống dịch, kiểm soát nguồn lây từ mọi hướng để "khóa" nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây nhiễm vào tỉnh. Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc CDC, trong năm 2020, có hai làn sóng dịch Covid-19 xảy ra vào tháng 3, tháng 4 và tháng 8, tháng 9. Bởi đây là dịch bệnh mới nổi nên vấn đề triển khai giám sát, xét nghiệm, điều trị còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là năm thành công lớn đối với lĩnh vực y tế dự phòng khi phát hiện ba trường hợp mắc Covid-19 đã khống chế, kịp thời cách ly, không để lây lan ra cộng đồng.
Trong năm 2021, ngay từ những ngày đầu năm làn sóng thứ 3 của dịch Covid-19 đã xuất hiện với số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, lây lan ra 13 tỉnh, thành phố. Mật độ giao thương giữa Đắk Lắk và các vùng miền rất lớn, nhiều khả năng có các trường hợp nghi nhiễm bệnh hoặc mắc bệnh từ nơi khác vào Đắk Lắk. Do đó, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn cố gắng phản ứng nhanh đối với các trường hợp nghi ngờ, tăng cường lực lượng điều tra, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm nhằm khống chế không để dịch lây lan ra cộng đồng. Với khối lượng công việc lớn như vậy, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, những người làm công tác truy vết và xét nghiệm SARS-CoV-2 không có được một ngày Tết đúng nghĩa.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc