Multimedia Đọc Báo in

Báo động tình trạng bệnh nhân lao kháng thuốc

06:57, 05/03/2021

Việt Nam hiện đứng thứ 11 trong 30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, trung bình mỗi năm có khoảng 6.000 bệnh nhân lao kháng thuốc xuất hiện tại nước ta.

Tại Đắk Lắk, theo thống kê trong năm 2020, toàn tỉnh phát hiện gần 1.100 trường hợp mắc lao, trong đó có 23 bệnh nhân lao đa kháng, tập trung nhiều ở các huyện Krông Pắc, M’Drắk, Ea Kar và TP. Buôn Ma Thuột.

Bác sĩ Nguyễn Kim Mỹ, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, trong 23 trường hợp lao đa kháng, vi khuẩn lao kháng với cả hai loại thuốc chuyên dùng để điều trị cho bệnh nhân lao là isoniazid và rifampicin. Điều đáng nói, hầu hết các bệnh nhân có tuổi đời rất trẻ, từ 18 đến 30 tuổi và đặc biệt đây đều là các bệnh nhân mới, chưa mắc và điều trị lao lần nào nhưng khi phát hiện bệnh đã mắc lao kháng thuốc. “Do đa số các bệnh nhân là công nhân, đi làm xa, sinh sống và làm việc ở môi trường có người mắc lao đa kháng nên dù chưa mắc lao lần nào họ vẫn bị lây bệnh lao kháng thuốc từ người mắc bệnh. Hiện các bệnh nhân mắc lao đa kháng đang được áp dụng phác đồ điều trị 9 tháng và có 4 trường hợp là tiền siêu kháng và siêu kháng đang áp dụng phác đồ điều trị 20 tháng”, bác sĩ Mỹ thông tin thêm.

Bệnh nhân điều trị lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Đình Thi
Bệnh nhân điều trị lao tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh. Ảnh: Đình Thi

Lao kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn kháng lại chính loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lao. Điều này có nghĩa là thuốc không còn khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao nữa. Bệnh lao kháng thuốc lây lan từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ li ti chứa vi khuẩn được phát tán trong không khí. Hầu hết các vi khuẩn lao được phát tán thông qua ho, hắt hơi, khạc nhổ, thậm chí là nói chuyện. Những người bình thường chỉ cần hít phải một vài giọt bệnh phẩm nhỏ li ti trong không khí cũng có thể bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân của lao kháng thuốc là do trong quá trình mắc bệnh lao, nhiều bệnh nhân không tuân thủ quy trình điều trị, tự ý giảm liều hoặc ngừng thuốc khi chưa đủ thời gian điều trị. Điều đó khiến bệnh không khỏi mà còn nhanh tái phát trở lại và phát sinh kháng thuốc. Nguy hiểm hơn, còn có trường hợp siêu kháng thuốc, tức kháng với tất cả các loại thuốc dùng để điều trị cho bệnh nhân lao kháng thuốc.

Khi mắc lao kháng thuốc, người bệnh không chỉ chịu hàng loạt tác dụng phụ tổn hại trầm trọng đến sức khỏe mà quá trình điều trị lao kháng thuốc còn tốn kém hơn nhiều so với bệnh lao thông thường. Bệnh lao thường chỉ cần chữa trong 6 tháng với tỷ lệ khỏi cao tới 91%; song với lao kháng thuốc, phác đồ tiên tiến nhất cũng phải kéo dài 9 tháng mà tỷ lệ khỏi chỉ đạt 75%. Các loại bệnh lao tiền siêu kháng hoặc siêu kháng có phác đồ kéo dài từ 19 - 24 tháng với những thuốc có nhiều độc tính, có nhiều tác dụng phụ. Theo bác sĩ Mỹ, hầu hết các bệnh nhân mắc lao đa kháng đều có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, trong khi đó chi phí để điều trị các ca đa kháng, tiền siêu kháng và siêu kháng rất cao, từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng bởi hầu hết các thuốc điều trị đều là thuốc mới, đa phần dựa vào nguồn viện trợ từ nước ngoài. Do đó, để bệnh nhân mắc lao đa kháng điều trị đầy đủ phác đồ là điều khá khó khăn. Không ít trường hợp bệnh nhân tới bệnh viện điều trị nhưng lại thiếu ăn, không đủ sức khỏe để chống lại bệnh tật. Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cũng đã triển khai nhiều chương trình từ thiện nhằm hỗ trợ, giúp đỡ và đồng hành cùng các bệnh nhân nhằm khuyến khích họ duy trì, không bỏ điều trị giữa chừng.

Để dự phòng lao kháng thuốc, người đã mắc lao cần được điều trị sớm, tuyệt đối tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đầy đủ, đúng liều, đúng, đủ thời gian quy định. Người bệnh thể lao kháng thuốc phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất và phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh. Đồng thời cần có ý thức trong sinh hoạt như không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hằng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng.

Trực khuẩn lao kháng thuốc phát triển khi các bệnh nhân không điều trị triệt để và có thể lây trực tiếp từ người sang người. Chừng nào việc điều trị còn chưa đầy đủ và tỷ lệ chữa khỏi bệnh còn thấp hơn mức yêu cầu 85% thì số chủng trực khuẩn lao kháng thuốc sẽ còn phát triển. Theo số liệu thống kê, tại tỉnh Đắk Lắk hằng năm có khoảng 3.500 bệnh nhân mắc lao mới song thực tế trung bình mỗi năm toàn tỉnh chỉ phát hiện và điều trị cho khoảng 900 - 1.200 bệnh nhân lao. Như vậy, số bệnh nhân mắc lao tồn tại trong cộng đồng còn rất nhiều và là nguồn lây lan vô cùng lớn, là mối nguy hại cho cộng đồng.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.