Khống chế không để dịch tay chân miệng lan rộng
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn khi số ca mắc tăng nhanh, đặc biệt đã ghi nhận trường hợp tử vong do TCM, ngành y tế tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống, không để dịch lây lan rộng.
Số ca bệnh tăng gần 3,5 lần
Cuối tháng 3 vừa qua, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do bệnh TCM. Bệnh nhân là bé gái sinh năm 2020, ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột. Bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với biểu hiện sốt cao kèm ban ở tay chân, khi ngủ giật mình và được chẩn đoán bệnh TCM độ 2B nhóm I bội nhiễm. Chỉ 2 ngày sau đó bệnh tiến triển nặng, chuyển độ nhanh từ 2B sang độ 4 và kèm theo biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp độ 4. Sau đó, bệnh nhân đã tử vong trên đường chuyển viện.
Không chỉ trường hợp nói trên, những ngày qua, Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên liên tục ghi nhận các trường hợp trẻ mắc TCM độ nặng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị trên 130 trường hợp mắc TCM. Trẻ mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, chuyển độ rất nhanh và thời gian chuyển nặng thường xảy ra khoảng 48 giờ đầu kể từ khi trẻ mắc bệnh, nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng như viêm màng não do vi rút, viêm não, nguy cơ tử vong cao.
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến ngày 10-4, toàn tỉnh ghi nhận 341 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có một trường hợp tử vong. Số ca bệnh xuất hiện rải rác ở tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố và tăng nhanh trong những tuần gần đây với trung bình mỗi tuần ghi nhận gần 40 trường hợp mắc mới. Đáng lo ngại, số ca bệnh mắc TCM độ nặng có xu hướng gia tăng.
Một trường hợp mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo các bậc phụ huynh không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh (sốt cao, hay giật mình, quấy khóc, bỏ ăn, nổi mụn nước quanh miệng) cần đưa trẻ đi khám bệnh hoặc thông báo cho cơ sở y tế gần nhất.
|
Nhiều biện pháp khống chế dịch
Để khống chế các ca bệnh TCM và không để bệnh lây lan rộng, bên cạnh việc tăng cường giám sát, truyền thông về dịch bệnh, ngành y tế cũng đã đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn trong phòng, chống dịch bệnh như: cung cấp kỹ năng phòng chống dịch bệnh TCM cho cán bộ y tế; tập huấn kỹ thuật xử lý ổ dịch cho tất cả cán bộ làm công tác chuyên môn; cử cán bộ y tế theo dõi, kiểm tra, giám sát cơ sở để phát hiện sớm, khoanh vùng và xử lý kịp thời các ổ dịch, ca bệnh mới phát sinh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các trường học thực hiện công tác phòng chống dịch TCM.
Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh TCM là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu hành vi vệ sinh không đảm bảo. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh TCM, người dân cần thực hiện: rửa tay thường xuyên nhiều lần trong ngày bằng xà phòng dưới vòi nước chảy (cả người lớn và trẻ em), nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã, làm vệ sinh cho trẻ. Đồng thời thực hiện tốt vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo sạch sẽ trước khi sử dụng); thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, mặt bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc