Multimedia Đọc Báo in

Hành vi lệch chuẩn của nhà giáo - Cần có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thỏa đáng

16:27, 16/04/2010

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa khá nhiều thông tin về tình trạng bạo hành học đường, trong đó có cả việc giáo viên hành hung học trò. Xét cả trên phương diện pháp luật và đạo đức, đó đều là những hành vi lệch chuẩn, đáng bị lên án và xử lý. Tuy nhiên, đằng sau đó là vấn đề về giá trị nghề nghiệp mà chúng ta cần quan tâm đúng mức hơn.

Với truyền thống tôn sư trọng đạo, nghề giáo được xem là một trong những nghề cao quý. Theo đó, sự đòi hỏi từ phía xã hội đối với người thầy cũng khá cao: người thầy đại diện cho sự chuẩn mực, không chỉ thể hiện trên lớp, trên giảng đường mà cả trong những giao tiếp ứng xử thông thường. Xã hội không chấp nhận giáo viên đánh bạc, nói tục, uống rượu say… Người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho học trò mà còn là tấm gương để người học nhìn vào và noi theo những hành vi đúng chuẩn, được xã hội chấp nhận. Nói theo người xưa, mọi hành vi của giáo viên phải là “khuôn vàng, thước ngọc”.
Để đáp ứng những yêu cầu đó, về nguyên tắc giáo viên phải được trải qua quá trình học hỏi, dài hay ngắn tùy thuộc vào mức độ khó hay dễ của vai trò. Trong thời gian dài, chúng ta đã quan niệm: càng ở những bậc học thấp, yêu cầu nghề nghiệp đối với người giáo viên càng thấp. Ví dụ: muốn dạy ở bậc đại học thì thông thường quá trình học hỏi kéo dài ít nhất phải 5 – 6 năm (có bằng đại học loại khá trở lên và khoảng 2 năm trợ giảng), dạy THPT thì học 4 năm đại học sư phạm, dạy THCS thì học 3 năm Cao đẳng sư phạm, dạy tiểu học thì 2 năm trung học sư phạm, có thời gian chỉ cần học 6 tháng, 9 tháng, thậm chí còn có hệ 9 + 3 (học xong lớp 9, học thêm 3 năm học sư phạm). Ở bậc mầm non, nhiều giáo viên vẫn chưa được đào tạo nghề. Với một thực trạng như vậy, xã hội không thể đòi hỏi giáo viên ở tất cả các bậc học phải là “khuôn vàng, thước ngọc”. Hơn nữa, muốn đáp ứng sự đòi hỏi từ xã hội về nghề nghiệp giáo viên, ngành đào tạo giáo viên cần phải tuyển được những người có năng lực sư phạm, yêu ngành, yêu nghề. Song, cách thức tuyển sinh hiện nay chưa cho phép chúng ta tuyển được nhiều sinh viên sư phạm giỏi, có năng khiếu thực sự. Mặt khác, trong quá trình đào tạo, chương trình đào tạo ngành sư phạm chưa chú trọng đúng mức tới nhưng môn học rèn luyện kỹ năng sống cho giáo viên, đặc biệt là kỹ năng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Bên cạnh đó, với chế độ tiền lương hiện nay, phần lớn giáo viên vẫn chưa thể trang trải cho những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Trong điều kiện như vậy, yêu cầu người giáo viên thực hiện những mô hình hành vi chuẩn quả là khó.
Và như vậy, hành vi lệch chuẩn của giáo viên nên được nhìn nhận, đánh giá một cách thỏa đáng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo viên trong khi phần lớn trách nhiệm là từ phía xã hội. Rõ ràng cần phải có một loạt các chính sách về đào tạo, chế độ đãi ngộ, sử dụng nhân lực tương xứng, phù hợp với một nghề luôn nhận được những đòi hỏi cao từ phía xã hội.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc