Multimedia Đọc Báo in

Chương trình Giảm tử vong mẹ - tử vong sơ sinh:

Năm 2010 tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục tại cộng đồng

10:41, 09/04/2010

Sau hơn 3 năm triển khai trên địa bàn tỉnh, Chương trình Giảm tử vong mẹ-tử vong sơ sinh đã và đang tạo ra những hiệu quả nhất định trong việc nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc trẻ sơ sinh cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng. Để tìm hiểu thêm về Chương trình, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Công Lên, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, Điều phối viên Chương trình Giảm tử vong mẹ-tử vong sơ sinh…

*Ông có thể cho biết tình hình tử vong mẹ và tử vong sơ sinh ở tỉnh ta hiện nay? Đâu là nguyên nhân dẫn đến tử vong cho các đối tượng này?
- Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2001 và 2002, tỷ số tử vong mẹ tại Dak Lak là 178/100.000 trẻ sơ sinh sống, đứng thứ 3 trong 7 vùng sinh thái của cả nước được điều tra. Có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Các nguyên nhân này được chia thành 2 loại nhóm chính, đó là nhóm nguyên nhân trực tiếp do tai biến sản khoa hoặc do can thiệp, bỏ sót, chẩn đoán, điều trị chưa kịp thời và biến chứng; nhóm nguyên nhân gián tiếp là tử vong do các bệnh có trước hoặc trong khi bà mẹ mang thai và bệnh nặng lên ảnh hưởng của thai nghén. Trong các nguyên nhân gây tử vong mẹ, nguy hiểm và thường gặp là 5 tai biến sản, gồm: băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, sản giật, vỡ tử cung và uốn ván sơ sinh. Các nguyên nhân gây tử vong cao nhất cho trẻ sơ sinh là trẻ sinh thiếu tháng, trẻ bị suy dinh dưỡng trong bào thai, trẻ đẻ bị ngạt, viêm phổi, nhiễm khuẩn... Ngoài ra, còn có các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Trước tiên là kiến thức của bà mẹ về chăm sóc sức khỏe sinh sản còn hạn chế, không biết hoặc chậm nhận ra các dấu hiệu bất thường trong khi mang thai và sinh đẻ, không được chăm sóc theo dõi, quản lý thai sản. Thứ hai là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác chăm sóc sản khoa còn nhiều hạn chế, chưa tổ chức tốt và sẵn sàng xử trí các trường hợp cấp cứu sản khoa. Thứ ba là phương tiện giao thông còn  nhiều khó khăn đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa ảnh hưởng đến việc tìm kiếm, tiếp cận dịch vụ y tế và làm chậm trễ trong cấp cứu khi xảy ra.

*Những mục tiêu chính của Chương trình Giảm tử vong mẹ - tử vong sơ sinh ở tỉnh ta là gì, thưa ông?
- Tuyên bố Thiên niên kỷ được 180 nước thông qua trong đó có Việt Nam đã xác định Chiến lược Phát triển Thiên niên kỷ của các nước đang phát triển với 7 mục tiêu tổng thể và 11 mục tiêu dài hạn, trong đó 10 mục tiêu lấy mốc hoàn thành vào năm 2015. Giảm tỷ lệ tử vong mẹ và giảm tử vong sơ sinh là mục tiêu 4 và mục tiêu 6 trong số các mục tiêu đầu ra của Chiến lược Phát triển Thiên niên kỷ toàn cầu và là mục tiêu 5 và 6 của Chiến lược Phát triển của Việt Nam giai đoạn 2001-2010. Theo tuyên bố này, vào cuối năm 2015, Việt Nam sẽ phấn đấu đạt được các mục tiêu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Đến nay, mặc dù các chỉ số về chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và các chỉ số về tử vong mẹ - tử vong sơ sinh nói riêng là tương đối khả quan so với các quốc gia khác có cùng mức phát triển về kinh tế - xã hội, nhưng hiện trạng về sức khỏe bà mẹ và trẻ em của Việt Nam vẫn còn là bức tranh chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng.
Ngày 29-3-2007 Bộ Y tế ra Quyết định số 1207/QĐ-BYT về việc phê duyệt Chương trình giảm tử vong mẹ và giảm tử vong sơ sinh hướng tới đạt mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn 2006-2010. Chương trình được triển khai tại 14 tỉnh, thành, trong đó có Dak Lak. Mục tiêu của Chương trình là: tăng cường kiến thức thiết yếu, cơ bản cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng, khuyến khích, hỗ trợ họ tham gia tích cực trong công tác bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh, vì lợi ích trước mắt và lâu dài của họ và xã hội; xây dựng mạng lưới dịch vụ y tế có khả năng cung cấp dịch vụ thiết yếu, đầy đủ về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cho tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh, với chi phí hợp lý và khoảng cách có thể tiếp cận được. Với mục tiêu này, trước mắt Chương trình sẽ tích cực vào việc đạt được các chỉ số  của Kế hoạch Tổng thể Quốc gia về Làm mẹ An toàn đề ra trong giai đoạn 2003-2010, bao gồm: giảm tỷ suất tử vong mẹ từ 178 xuống còn 100/100.000 trẻ đẻ sống đối với các tỉnh miền núi; giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh từ 34,2 xuống còn 20/1.000.  Hiện tại, các vấn đề ưu tiên của Chương trình là giải quyết 3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ (băng huyết, sản giật, nhiễm khuẩn) và 3 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ sơ sinh (nhiễm khuẩn sơ sinh, ngạt sơ sinh, đẻ non nhẹ cân).

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trạm Y tế xã Krông Na (Buôn Đôn).  Ảnh: Kim Oanh
Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Trạm Y tế xã Krông Na (Buôn Đôn). Ảnh: Kim Oanh


*Vậy, để thực hiện mục tiêu trên, kế hoạch hành động trong năm 2010 của Chương trình là gì và những hoạt động nào đã được triển khai trên địa bàn tỉnh ta?
- Đây là năm thứ 3 Chương trình giảm tử vong mẹ và giảm tử vong trẻ sơ sinh chính thức được triển khai tại địa bàn tỉnh. Qua đó, Chương trình đã tổ chức đào tạo cho 80 cán bộ y tế xã và 40 cán bộ y tế huyện, tỉnh về kiến thức và thực hành chăm sóc - cấp cứu sản khoa, chăm sóc - hồi sức sơ sinh; gửi 6 bác sĩ, nữ hộ sinh đi đào tạo phẫu thuật cấp cứu sản khoa tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh); đào tạo kiến thức, thực hành sản khoa cho 20 cộng tác viên y tế thôn, buôn khó khăn thời gian 3 tháng tại tỉnh; đồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và tổ chức các cuộc hội thảo tuyên truyền ủng hộ và cam kết chính quyền, đoàn thể, cộng đồng các cấp tham gia vào Chương trình.
Trong năm 2010, Chương trình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động  truyền thông giáo dục sức khỏe nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức, kỹ năng thực hành và các hỗ trợ cho phụ nữ, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe cho phụ nữ và trẻ sơ sinh. Tăng cường vận động sự ủng hộ và cam kết của lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp và cộng đồng trong Kế hoạch Làm mẹ an toàn và giảm tử vong mẹ, giảm tử vong trẻ sơ sinh hướng tới đạt mục tiêu Thiên niên kỷ  thông qua các cuộc hội thảo tại tỉnh và huyện. Bên cạnh đó, Chương trình sẽ nâng cao khả năng tiếp cận và khả năng chuyên môn của các cơ sở  y tế trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sản khoa thiết yếu và cơ bản, đặc biệt vùng khó khăn.

- Xin cảm ơn ông!

Kim Nguyễn (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc