Multimedia Đọc Báo in

Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên: Góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống y tế trong khu vực

15:48, 04/06/2010

 

Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đã kết thúc từ cuối năm 2009 và nó đã mang lại những hiệu quả không nhỏ, góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống y tế các tỉnh Tây Nguyên. Để hiểu rõ hơn những tác động to lớn của Dự án đối với ngành Y tế tỉnh ta, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với bác sĩ NGUYỄN PHI TIẾN, Giám đốc Sở Y tế về vấn đề này.
 

* Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên đến nay đã cơ bản kết thúc. Ông đánh giá như thế nào về Dự án này?
Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng Tây Nguyên là một dự án lớn của ngành Y tế. Dự án có tổng vốn đầu tư 30.579.000 USD, gồm vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Điển và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án được triển khai tại 5 tỉnh Tây Nguyên với mục tiêu cải thiện chất lượng dịch vụ và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, nhất là đối với người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; tăng khả năng thanh toán các chi phí y tế và sử dụng dịch vụ y tế; tăng cường năng lực của hệ thống y tế, đào tạo cán bộ y tế nhằm đáp ứng một cách hiệu quả các nhu cầu và dịch vụ y tế của nhân dân trong vùng. Với dự án này, công tác đào tạo cán bộ y tế được triển khai tương đối tốt, qua đó đã nâng cao năng lực quản lý điều hành của cán bộ y tế từ tỉnh đến huyện, xã. Ngoài ra, các đối tượng người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng cũng được hưởng lợi từ dự án như: được khám chữa bệnh miễn phí, được hưởng chế độ ăn, chế độ đi lại và hỗ trợ điều trị kỹ thuật cao. Nhìn chung, đây là dự án mang tính đồng bộ cả trên xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo con người, giáo dục sức khỏe cho đến khám chữa bệnh. 
* Ông có thể cho biết những tác động cụ thể của Dự án đối với tỉnh ta? 
Tại Dak Lak, tổng mức đầu tư của Dự án là 8.228.500 USD, trong đó, vốn vay của ADB là 5.749.000 USD, vốn viện trợ của Chính phủ Thụy Điển là 1.586.500 USD, vốn đối ứng của Trung ương và tỉnh là 893.000 USD. Dự án đã có tác động rất lớn đến ngành Y tế tỉnh nhà; đặc biệt, thông qua dự án đã làm thay đổi hẳn bộ mặt cơ sở vật chất của hệ thống y tế. Toàn tỉnh đã có 7 công trình y tế được xây dựng cơ bản từ nguồn vốn của dự án, gồm: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội, Trường Trung cấp Y tế và Bệnh viện Đa khoa của 4 huyện  M’Drak, Krông Pak, Ea Súp, Krông Bông. Ngoài ra, Dự án còn trang bị cho tỉnh 7 xe công tác và phương tiện cấp cứu. Về các đối tượng hưởng lợi từ dự án, đầu tiên phải kể đến là đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trên địa bàn. Toàn tỉnh có khoảng 700.000 đối tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng dự án bao phủ. các đối tượng đã được Dự án hỗ trợ tiền ăn, chế độ đi lại, chi phí khám chữa bệnh. Cụ thể, trong 5 năm triển khai Dự án, tỉnh ta đã có 135.226 lượt bệnh nhân nội trú được hỗ trợ tiền ăn với tổng số tiền gần 8,8 tỷ đồng; 98.917 bệnh nhân được hỗ trợ chi phí vận chuyển với tổng chi phí gần 5,2 tỷ đồng. Đặc biệt, với hoạt động khám chữa bệnh tại cộng đồng, Dự án đã  huy động lực lượng cán bộ y tế từ tuyến tỉnh, huyện đi về vùng sâu, vùng xa mang theo máy móc, trang thiết bị để khám bệnh cho bà con ngay tại cộng đồng. Qua đó, đã có 317.758 lượt người được khám chữa bệnh với chi phí lên đến trên 11,5 tỷ đồng. Không những thế, với những đối tượng điều trị kỹ thuật cao dưới 10 triệu đồng cũng được Dự án thanh toán chi phí. Đối tượng thứ 2 được hưởng lợi từ dự án là cán bộ công chức viên chức ngành y tế. Qua công tác đào tạo, ngành Y tế tỉnh nhà đã có thêm đội ngũ cán bộ chuyên môn, nhất là số cán bộ chuyên môn trên đại học. Trong 5 năm, tỉnh ta đã có 53 cán bộ y tế được tham dự đào tạo sau đại học. Đây là nguồn nhân lực quý giá phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, Dự án còn tổ chức 15 lớp tập huấn về nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý cho cán bộ y tế từ tỉnh đến cơ sở .* Sau khi Dự án kết thúc, tỉnh đã có kế hoạch gì để duy trì tính bền vững của dự án, thưa ông?
Trong cam kết của tỉnh đối với dự án ngay từ ngày đầu ký kết (năm 2005), tỉnh đã cam kết duy trì tính bền vững của dự án. Chính vì thế, cuối năm 2009, khi dự án kết thúc, ngành y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh duy trì Dự án bằng cách tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo các chế độ ăn uống, đi lại, vận chuyển từ nguồn kinh phí của địa phương. Theo đó, kể từ đầu năm 2010 trở đi, tỉnh sẽ duy trì các chế độ này cho những bệnh nhân thuộc đối tượng nói trên với mức thanh toán cụ thể: hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/ngày/người và hỗ trợ 7 ngày trong 1 đợt điều trị; hỗ trợ tiền đi lại 50.000 đồng /100km.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Oanh (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc