Multimedia Đọc Báo in

Krông Buk nỗ lực hướng tới phát triển nhanh và bền vững

09:28, 02/08/2010

LTS:  Theo Nghị định số 07-NĐ/CP, ngày 23-12-2008 của Chính phủ, địa giới hành chính huyện Krông Buk (cũ) được điều chỉnh để thành lập thị xã Buôn Hồ và huyện Krông Buk. Sau một năm chia tách, huyện Krông Buk đã nỗ lực khắc phục những khó khăn, nhanh chóng ổn định, củng cố hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác quy hoạch, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc phỏng vấn Đồng chí LÊ VĂN NGHĨA, Bí thư Huyện ủy Krông Buk.

* Đồng chí có thể cho biết diện mạo của Krông Búk sau một năm chia tách?

Đồng chí Lê Văn Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Krông Buk tại Đại hội Đảng bộ xã Tân Lập nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Đồng chí Lê Văn Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Krông Buk tại Đại hội Đảng bộ xã Tân Lập nhiệm kỳ 2010 - 2015.
- Sau khi chia tách, huyện Krông Buk có diện tích tự nhiên 35.837 ha, dân số theo số liệu năm 2009 là 57.002 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 28,18%. Nhờ sớm ổn định về tư tưởng, tổ chức, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, huyện đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2009; an ninh chính trị trật tư an toàn xã hội được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp, cơ cấu cây trồng của địa phương dần chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa, nâng cao giá trị thương phẩm; công tác khuyến nông và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh; năng suất, sản lượng nhiều loại cây trồng trong đó có các cây chủ lực như cà phê, cao su, chè… đều được nâng lên rõ rệt. Năm 2010 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt trên 919 tỷ đồng. Hiện địa phương đã thực hiện xong Quy hoạch chung về xây dựng trung tâm huyện lỵ đến năm 2025; Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm đô thị cơ quan hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt từ cuối năm 2009 và Quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã phê duyệt 4/7 xã, hiện đang triển khai quy hoạch 3/7 xã còn lại.
Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện được chú trọng đầu tư tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa; 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã, trên 90% được nhựa hóa. 100% số xã có điện lưới quốc gia và trên 90% số hộ gia đình được sử dụng điện. Hoạt động văn hóa thể thao và thông tin truyền thông luôn được chú trọng với nhiều hình thức phong phú, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc. Năm 2009 huyện đã công nhận 43 thôn, buôn và 9.550 hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Mạng lưới y tế ở cơ sở từng bước được củng cố, 4/7 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện gắn với chương trình của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2010 bước đầu có hiệu quả. Tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tương đối ổn định, đời sống được cải thiện rõ rệt.

* Phát huy  kết quả đạt được, theo đồng chí, những bước đi tiếp theo của địa phương là gì ?
- “Khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế, coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; huy động và sử dụng tốt các nguồn lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Gắn tăng trưởng kinh tế với việc giải quyết các vấn đề xã hội, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao đời sống nhân dân bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” đó là mục tiêu tổng quát được xác định trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2010-2015. Krông Buk đã và đang nỗ lực hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững với các chỉ tiêu tăng trưởng GDP bình quân hằng năm 10-11%; cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp 76-77%, công nghiệp – xây dựng 5-6%, thương mại - dịch vụ 18-19%.

* Trên chặng đường xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, từ thực tế lãnh đạọ, quản lý và tổ chức thực hiện thời gian qua, đồng chí có thể cho biết, đâu là những thách thức lớn nhất của địa phương cần khắc phục ?
- Bên cạnh sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của nhân dân, các thành phần kinh tế; không ngừng kiện toàn và củng cố hệ thống chính trị…phải thừa nhận, thách thức và có thể coi là hạn chế, bất cập lớn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Krông Buk là đầu tư phát triển rừng hiệu quả chưa cao; ngành công nghiệp, xây dựng quy mô và năng lực sản xuất còn nhỏ lẻ; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp của huyện còn chậm. Hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng còn thấp; điều kiện cơ sở vật chất y tế còn thiếu và nghèo nàn, huyện chưa có bệnh viện… Tăng cường quản lý, sử dụng tài nguyên bảo vệ rừng; huy động vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và quản lý đầu tư; phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất và đời sống; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; phát triển các thành phần kinh tế nhằm khai thác tối đa các nguồn lực… sẽ là những nhiệm vụ, giải pháp địa phương cần thực hiện tốt để khắc phục những khó khăn trên.

*Xin cảm ơn đồng chí!

 

Đàm Thuần (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc