Multimedia Đọc Báo in

Cùng “vào cuộc” vì môi trường sống an toàn cho trẻ em

07:59, 24/10/2010

Giật mình với những con số và nhiều nguy cơ gây thương tích cho trẻ em, các đại biểu tham dự Hội thảo “Đại biểu dân cử với phòng chống tai nạn thương tích trẻ em” do Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp Thường trực HĐND tỉnh Dak Lak vừa tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột đã sôi nổi thảo luận, nêu lên thực trạng cũng như “hiến kế” nhiều giải pháp vì môi trường sống an toàn cho trẻ em…

†Ông TRƯƠNG VĂN TỴ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Cần làm, cần hành động ngay

 

Tai nạn thương tích (TNTT) trẻ em hiện nay là vấn đề bức xúc của người dân, xã hội. Chúng ta thấy rằng, phòng, chống TNTT trẻ em là việc cần hành động, cần làm ngay; đặc biệt các cấp quản lý, các cấp chính quyền cần có sự phối hợp chặt chẽ, cùng chung tay vào cuộc. Qua hội thảo, tôi đề nghị các cấp cần có các nghị quyết, gắn phòng, chống TNTT trẻ em với những kế hoạch, chương trình kinh tế - xã hội của địa phương. Những tai nạn thương tích ở trẻ em phần lớn là có thể phòng tránh được nếu chúng ta chủ động, tập trung xây dựng tiêu chí các mô hình điểm như ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn… để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm và phổ biến, nhân rộng ra toàn xã hội. Đối với Dak Lak, các ngành, các cấp cần tạo điều kiện dạy bơi cho các cháu; kết hợp giữa nguồn kinh phí của Nhà nước và kêu gọi xã hội hóa để đầu tư các khu vui chơi cho trẻ em; đồng thời tăng cường vai trò giám sát của các đại biểu dân cử; dành khoản ngân sách thỏa đáng cho chương trình phòng chống TNTT trẻ em…

†Bác sĩ CAO MINH TOÀN, Phó Giám đốc Sở Y tế: Xây dựng kế hoạch hành động toàn diện về phòng chống TNTT
 
TNTT đã trở thành một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên ở Việt Nam. Các mục tiêu thiên niên kỷ về giảm 2/3 tỷ lệ tử vong vào năm 2015 sẽ không đạt được nếu Việt Nam không giảm được số trẻ tử vong do TNTT. Dak Lak là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ em tử vong do TNTT tương đối cao. Về những giải pháp để giảm thiểu tình trạng này, trước hết phải xây dựng kế hoạch hành động toàn diện về phòng chống TNTT, kế hoạch này cần bao gồm các hoạt động toàn diện và có sự tham gia liên ngành. Hoàn thiện hệ thống giám sát và chất lượng thông tin. Thông tin có chất lượng về tử vong, thương vong do TNTT của trẻ cần được lồng ghép vào hệ thống quản lý và thông tin y tế. Xây dựng một chương trình nghiên cứu để tìm hiểu các khía cạnh dịch tễ học và kinh tế học của các can thiệp phòng tránh TNTT trẻ em cũng rất cần thiết để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và chiến lược. Các nội dung về phòng chống TNTT cần được lồng ghép trong mạng lưới tư vấn trẻ em; cộng tác viên và cán bộ làm việc với trẻ em, nhân viên tư vấn và cộng đồng tiếp tục được tập huấn để có thể sơ cứu ban đầu khi trẻ gặp tai nạn.

†Bà VÕ THỊ HỒNG VÂN, Phó trưởng Phòng Văn hóa xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Khi xây dựng các đề án quy hoạch, đầu tư hạ tầng cần lồng ghép các công trình văn hóa phục vụ vui chơi giải trí cho trẻ em
 
Công tác phòng chống TNTT trẻ em đã được các cấp ngành lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo nhưng thực tế chưa được sâu sát, thường xuyên, liên tục, chưa kết hợp chặt chẽ với kiểm tra, đánh giá. Một thực trạng nữa là thiếu quy hoạch đất đai để đầu tư các điểm vui chơi giải trí ở các xã, thôn buôn; công tác xã hội hóa trong lĩnh vực này chưa rộng rãi; nguồn phí đầu tư phục vụ giảm thiểu TNTT trẻ em còn hạn chế. Thiết nghĩ, sau Hội thảo này trong công tác quy hoạch cần định hướng đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, các điểm vui chơi đặc thù dành cho trẻ em. Việc xây dựng các đề án về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư hạ tầng xã hội cần lồng ghép các công trình văn hóa có yếu tố phục vụ vui chơi giải trí cho trẻ em; bố trí nguồn kinh phí thích hợp thực hiện chương trình phòng chống TNTT trẻ em trong dự toán ngân sách hằng năm.

†Bà TỪ THỊ KHANH, Trưởng Phòng Bảo vệ - Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động – Thương binh  và Xã hội: Thể chế hóa mục tiêu phòng chống TNTT trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát
 

Những phân tích qua các số liệu tại hội thảo đã nói lên một thực trạng đáng báo động về những tai họa đang đe dọa sức khỏe và sinh mạng của trẻ em, đòi hòi xã hội phải có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tuy nhiên, không chỉ là trên lý thuyết suông và hô hào mà phải bằng những việc làm hết sức cụ thể. Theo tôi, để hạn chế TNTT trẻ em, Nhà nước cần phải xây dựng, bổ sung chế tài đầy đủ và chặt chẽ hơn. Bởi vì hiện nay các quy định về phòng chống TNTT trẻ em thiếu tính đồng bộ về hệ thống. Bên cạnh đó cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đối với công tác phòng, chống TNTT trẻ em nói chung, đặc biệt tập trung vào phòng, chống đuối nước cho trẻ em và các loại tai nạn thường gặp trong gia đình. Xác định rõ phòng, chống TNTT trẻ em là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương; các mục tiêu phòng, chống TNTT trẻ em cần được thể chế hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của từng cấp, từng ngành. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng và toàn xã hội về phòng chống TNTT trẻ em. Ngoài ra cũng cần tiến hành tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống TNTT trẻ em cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở cơ sở; nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn, xây dựng cộng đồng an toàn và đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn trong phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.

†Bà H’NĂM NIÊ, Phó trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh: Xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em ở những vùng sâu, vùng xa
 
Có thể nói, TNTT trẻ em là vấn đề quan tâm của toàn xã hội. Trong thời gian qua chúng ta tuy đã có quan tâm đến vấn đề này, nhưng thực tế vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Đặc biệt là sân chơi cho trẻ em hiện nay vẫn còn rất thiếu, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa. Hiện nay khu vui chơi của các em chủ yếu chỉ tập trung ở thị trấn, còn ở các xã, buôn thì không có. Tại các buôn làng, các em thường đi học một buổi, buổi khác thì theo cha mẹ đi làm nương rẫy, số khác cùng bạn bè vui chơi, tắm sông, tắm suối, trèo cây… đây cũng là những nguy cơ gây TNTT cho trẻ. Mặt khác, nhận thức của cha mẹ các em về vấn đề này chưa cao, vẫn thường để các em tự do nô đùa mà ít có lời cảnh báo, nhắc nhở. Qua hội thảo, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho các em ở buôn làng có điểm vui chơi, ít nhất trên địa bàn mỗi xã có một khu vui chơi để tập trung các em. Ngoài ra cũng cần quan tâm đầu tư xây dựng các trường lớp bảo đảm an toàn cho trẻ, nhất là các trường mẫu giáo. Bởi trên thực tế, qua giám sát, một số trường, lớp không đạt yêu cầu đã gây ra những tai nạn đáng tiếc...

Đàm Thuần – Lan Anh (Thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc